Doanh nhân Hàn Quốc tham dự một cuộc họp tại thủ đô Seoul ngày 24/2. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
5 tổ chức bao gồm Liên đoàn giới chủ Hàn Quốc (KEF), Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc (FKI), Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI), Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) và Liên đoàn các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc (KBIZ), đã kêu gọi chính phủ tập trung vào việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng cách vực dậy nhu cầu trong nước, tăng tỷ lệ sinh và thu hẹp khoảng cách giữa các tập đoàn lớn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dưới chính quyền của Tổng thống Moon, KCCI và KBIZ được dự đoán sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn so với FKI, vốn lâu nay vẫn là nhóm vận động hành lang kinh tế có ảnh hưởng nhất Hàn Quốc. Không như FKI chủ yếu đại diện cho các tập đoàn lớn, KCCI đại diện cho 170.000 doanh nhân, còn KBIZ lại phục vụ cho lợi ích của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s nhận định rằng tân Tổng thống Moon Jae-in có thể sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách tài khóa và kinh tế dựa trên các nguyên tắc hạn chế thâm hụt ngân sách ở mức 3% GDP và giữ cho nợ chính phủ ở mức dưới 45% GDP. Ông Steffen Dyck, một cán bộ cấp cao của Moody’s, cho rằng có thể sẽ có một sự chuyển dịch trọng tâm trong một số lĩnh vực tái cơ cấu, như thị trường lao động và an sinh xã hội.
Trước đó, Moody’s hồi tháng Hai vẫn giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á ở mức Aa2 với triển vọng ổn định. Đây là mức cao thứ ba trên bảng xếp hạng tín nhiệm và hiện chỉ có 6 nước khác không thuộc G20 giữ mức xếp hạng này.