Hiện nhiều doanh nghiệp dệt may đã ký đơn hàng đến hết năm. Nếu không đảm bảo nhân công phục vụ sản xuất, giao hàng đúng hạn, doanh nghiệp sẽ bị phạt, hủy đơn hàng, thiệt hại toàn ngành có thể lên tới hàng tỷ USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam.
Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, để ứng phó với dịch COVID-19, Vinatex mong muốn người lao động được ưu tiên tiếp cận tiêm vaccine, nhất là các doanh nghiệp nằm ở các địa bàn “nóng” như Bắc Ninh, Bắc Giang, Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội để đảm bảo ổn định sản xuất trong thời gian tới.
Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex, đối với doanh nghiệp dệt may, khi Chính phủ có chủ trương trong đợt dịch mới là 5K cộng với vaccine thì tất cả các doanh nghiệp đều đồng thuận và hưởng ứng cao. Ngành dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động với trên 2,5 triệu lao động, riêng đối với Vinatex là 150.000 lao động. Các doanh nghiệp ngành dệt may đều có quan điểm là đăng ký với Chính phủ về việc doanh nghiệp sẵn sàng chịu mọi chi phí để tiêm được vaccine cho người lao động của mình.
Đối với đợt đầu tiên, Vinatex mong muốn tất cả người lao động trực tiếp được tiêm vaccine và sau đó, nếu lượng vaccine đủ thì nhân rộng ra để tiêm cả cho những người trong gia đình, những người sống cùng người lao động để đảm an toàn cho sự phát triển của doanh nghiệp. Nếu như vậy, nhu cầu đợt một của Vinatex để tiêm đủ cả 2 liều sẽ lên tới trên 300.000 liều vaccine và nếu cả gia đình của họ với trung bình khoảng 2-3 người phụ thuộc vào một lao động thì các đơn vị phải cần tới trên 1 triệu liều vaccine cho Vinatex.
Ông Lê Tiến Trường cũng cho hay, tập đoàn đã đề nghị với Chính phủ và cũng đã có văn bản chính thức gửi đến Ban chỉ đạo Nhà nước về phòng chống dịch COVID-19 về việc các doanh nghiệp của Vinatex sẵn sàng chi trả tất cả các chi phí dành cho việc tiêm vaccine cho toàn thể cán bộ công nhân viên - người lao động của mình. Từ đó, gánh vác một cách trực tiếp cho nguồn lực của quốc gia trong giai đoạn này, để nguồn lực quốc gia cộng với các nguồn đóng góp khác có thể hỗ trợ khu vực người dân chưa có việc làm hoặc còn nhiều khó khăn về kinh tế.
"Với cách làm này, chúng tôi tính toán, các doanh nghiệp của Vinatex cần dành nguồn ngân sách từ 100 - 200 tỷ đồng để chuẩn bị cho chương trình tự lo vaccine cho người lao động của mình", ông Lê Tiến Trường nói.
Thời điểm hiện nay là lúc này các doanh nghiệp dệt may nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung lo nhất bị cách ly, giãn cách, kể cả ở khu không có doanh nghiệp đứng chân nhưng có người lao động ở nên sẽ khiến cho người lao động không có điều kiện đến làm việc tại doanh nghiệp.
Thông tin từ Vinatex, tăng trưởng ngành dệt may Việt Nam có quý I tương đối khá, đã quay lại mức tăng 10% và có nhiều cơ hội phục hồi hoàn toàn so với năm 2020, trở lại mức trước khi có đại dịch COVID-19 của năm 2019. Hiện nay, đơn hàng của đa số đơn vị đã ký đến tháng 7 và tháng 8, nhiều đơn vị có đơn hàng hết quý III, thậm chí quý IV. Chính vì thế lúc này, việc được tổ chức sản xuất ổn định có năng suất cao, đảm bảo thời gian giao hàng của khách lại trở thành ưu tiên số một của doanh nghiệp.
"Do đó, chúng tôi hết sức quan tâm đến sự an toàn của người lao động, của doanh nghiệp và cũng tìm mọi biện pháp, tham gia mọi chương trình để người lao động của ngành dệt may nói chung và của Viantex nói riêng có cơ hội được tiếp cận vaccine một cách sớm nhất. Theo đó, Vinatex mong muốn được ưu tiên tiếp cận tiêm vaccine, nhất là các doanh nghiệp nằm ở các địa bàn “nóng” như Bắc Ninh, Bắc Giang, Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội sẽ sớm được tiêm ở các khu công nghiệp tập trung, nơi mà lực lượng lao động của dệt may rất lớn để đảm bảo ổn định sản xuất trong thời gian tới. Lượng vaccine hiện nay còn hạn chế về số lượng và cần có sự sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, tuy nhiên, người lao động ngành dệt may mong muốn được ưu tiên sớm trong đợt tiêm phòng dịch lần này.", ông Lê Tiến Trường cho hay.