Cổ phần hóa Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.


Máy bay của các hãng hàng không Việt Nam tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

Theo đó, hình thức cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là vừa bán bớt một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Vốn điều lệ của ACV là 22.430,98504 tỷ đồng; cổ phần phát hành lần đầu là 2.243.098.504 cổ phần, mệnh giá một cổ phần là 10.000 đồng, trong đó: Nhà nước nắm giữ 1.682.323.878 cổ phần, chiếm 75% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 31.347.800 cổ phần, chiếm 1,4% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho tổ chức Công đoàn là 3.003.003 cổ phần, chiếm 0,13% vốn điều lệ; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 448.619.701 cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ; bán đấu giá công khai: 77.804.122 cổ phần, chiếm 3,47% vốn điều lệ.

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quyết định mức giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu; chỉ đạo Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam tổ chức, triển khai bán cổ phần ra công chúng; khi có đủ điều kiện, thực hiện niêm yết cổ phiếu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật hiện hành.

Việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng được thực hiện theo phương thức bán đấu giá tại Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh. Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP là Bộ Giao thông Vận tải.

Thay đổi 3 thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thay đổi 3 thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.

Cụ thể, thay đổi 3 thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ gồm: Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trương thay ông Trần Hồng Hà; ông Đỗ Đức Duy, Thứ trưởng Bộ Xây dựng thay ông Cao Lại Quang và ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thay ông Nguyễn Thành Hưng.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Theo đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là Trưởng ban Chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Nội vụ là Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ là Phó Trưởng ban.

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Chính phủ.

Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách và giải pháp quan trọng để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của Chính phủ; cho ý kiến về chương trình, kế hoạch cải cách hành chính dài hạn và hằng năm do Bộ Nội vụ trình Chính phủ.

Ban Chỉ đạo giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính; xem xét nội dung các đề án, dự án quan trọng về cải cách hành chính của Chính phủ, các dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ có nội dung chủ yếu liên quan đến cải cách hành chính trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Chính phủ; các nghị định, nghị quyết của Chính phủ, quyết định và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác cải cách hành chính; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác cải cách hành chính.

Hai Tổng công ty được xếp hạng đặc biệt


Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý vận dụng xếp hạng Tổng công ty đặc biệt đối với hai Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí và Điện lực Dầu khí Việt Nam.

Việc xếp hạng Tổng công ty đặc biệt đối với Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) sẽ được xem xét sau khi Thanh tra Chính phủ báo cáo kết quả thanh tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Giàn khai thác FPU ĐẠI HÙNG- 01 của PVEP. Ảnh: Sỹ Thắng- TTXVN


Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) được thành lập ngày 4/5/2007 trên cơ sở hợp nhất Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí và Công ty Đầu tư - Phát triển Dầu khí để thống nhất hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí ở Việt Nam và nước ngoài.


Sứ mệnh của Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí nhằm tối ưu hóa lợi nhuận, tăng cường nguồn thu cho Nhà nước; không ngừng gia tăng giá trị tài sản, năng lực tài chính, năng lực khoa học công nghệ chuyên ngành; đảm bảo tuyệt đối an toàn trong hoạt động và cam kết mạnh mẽ về bảo vệ môi trường, mang lại lợi ích tốt đẹp cho cộng đồng và tất cả người lao động, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam là Tổng công ty mẹ - Công ty TNHH một thành viên do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đầu tư 100% vốn, được thành lập theo Quyết định 1468/QĐ-DKVN ngày 17/5/2007 của Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Nghi Sơn


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa theo quy định pháp luật hiện hành.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa làm việc với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bổ sung danh mục dự án và kế hoạch kinh phí thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa trong năm 2015.

Khu kinh tế Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa có tổng diện tích 106.000 ha, bao gồm: 66.497,57 ha đất liền và đảo, 39.502,43 ha mặt nước (trong đó: phần diện tích hiện hữu là 18.611,8 ha, phần diện tích mở rộng là 47.885,77 ha đất liền và đảo, 39.502,43 ha mặt nước).

Phần diện tích đất liền và đảo bao gồm toàn bộ diện tích thuộc địa giới hành chính của huyện Tĩnh Gia: 33 xã và 1 thị trấn Tĩnh Gia (trong đó 12 xã thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn hiện hữu); 3 xã: Yên Mỹ, Công Bình, Công Chính thuộc huyện Nông Cống; 3 xã: Thanh Tân, Thanh Kỳ, Yên Lạc thuộc huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa.

Một trong những mục tiêu phát triển chủ yếu của Khu kinh tế Nghi Sơn là xây dựng và phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn thành một khu vực phát triển công nghiệp tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực gắn với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển nước sâu với trọng tâm là công nghiệp lọc - hóa dầu và công nghiệp cơ bản như: Công nghiệp hóa chất sau lọc hóa dầu, công nghiệp luyện cán thép cao cấp, cơ khí chế tạo, sửa chữa và đóng mới tàu biển, công nghiệp điện, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến nông, lâm, ngư nghiệp chất lượng cao phục vụ xuất khẩu; t ạo nhiều việc làm, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước hình thành Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực.

TTXVN/Tin Tức
Minh bạch cơ chế xã hội hóa cảng hàng không
Minh bạch cơ chế xã hội hóa cảng hàng không

Nhiều vấn đề liên quan đến thực hiện chủ trương khai thác thương mại các cảng hàng không, trong đó có việc mua lại quyền khai thác nhà ga cần phải được làm rõ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN