Vì sao giá smartphone luôn tăng mà không giảm?

Nhiều người đang cho rằng các mẫu điện thoại thông minh (smartphone) hiện được định giá quá cao.

Một số mẫu cao cấp nhất của các hãng có thể khiến người tiêu dùng chi tới hơn 1.500 USD, thậm chí có chiếc đã vượt ngưỡng 2.000 USD. Những con số đó dễ dàng vượt mức giá của một số dòng máy tính xách tay (laptop) tầm trung và thậm chí cả TV 4K có màn hình từ 75 inch trở xuống.

Chú thích ảnh
Mẫu điện thoại thông minh mới iPhone 11 Pro được giới thiệu trong buổi ra mắt tại trụ sở của tập đoàn Apple ở bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Chỉ khoảng 5 năm trước, smartphone có giá cả phải chăng hơn nhiều. Khi đó, một chiếc smartphone thuộc phân khúc cao chỉ có giá gần 600 USD hoặc 700 USD. Điều này dẫn đến câu hỏi: Điều gì đã thúc đẩy giá smartphone gia tăng không ngừng và liệu người tiêu dùng có tiếp tục “mở hầu bao” để chi tiêu cho các sản phẩm điện tử đắt đỏ này hay không.

Nhìn lại lộ trình tăng giá của smartphone

Hãy cùng nhìn lại thời kỳ ban đầu của chiếc smartphone “quá đắt tiền” đầu tiên: iPhone. Vào thời điểm đó, 599 USD là một mức giá quá cao cho một chiếc điện thoại. Con số này cao đến mức Giám đốc điều hành (CEO) khi đó của Microsoft là ông Steve Ballmer đã gọi iPhone là “sự điên rồ” của Apple.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2007 với tờ USA Today, ông Ballmer đã khẳng định chắc nịch rằng iPhone không có cơ hội để chiếm được một thị phần đáng kể nào. Ông cho rằng Apple có thể kiếm được nhiều tiền từ chiếc điện thoại này. Nhưng nếu thực sự tính toán trên 1,3 tỷ thiết bị điện thoại được bán ra (tính tới thời điểm đó), CEO Ballmer muốn các sản phẩm của Microsoft chiếm từ 60 - 70%, thậm chí 80% trong số đó, thay vì chỉ 2% hoặc 3% như những gì Apple có thể nhận được.

Nhưng người dùng đã chọn mua iPhone, và ai cũng đều biết số phận khá “bi đát” của dòng điện thoại Windows phone do Microsoft tự phát triển. Không chỉ vậy, từ mức giá chỉ khoảng 600 USD ban đầu, một chiếc iPhone của Apple hiện có thể được bán với mức giá lên tới 1.600 USD nếu người dùng muốn chọn cấu hình lưu trữ cao nhất.

Đương nhiên, Apple đã tăng giá theo một tiến trình khá cẩn trọng. Với việc phát hành hai mẫu cho mỗi đời iPhone, bắt đầu với iPhone 6 với một mẫu cỡ nhỏ và một mẫu có kích thước lớn hơn, Apple đã đẩy giá của mẫu lớn tăng lên. Không chỉ tăng kích thước, “Táo khuyết” cũng phát triển thêm nhiều tính năng mới cho smartphone “con cưng” của mình, qua đó càng đẩy giá của iPhone lên cao.

Apple không đơn độc 

Hãy nhìn sang một “đại gia” công nghệ khác là Google. Chiếc Nexus One - smartphone đầu tiên của Google - ra mắt vào năm 2010 ở mức giá 529 USD, nhưng Google sau đó đã tung ra các dòng thấp hơn gồm Nexus S, Galaxy Nexus và Nexus 4 với giá khoảng 350 USD mỗi chiếc. Đến Nexus 6 ra mắt vào năm 2014, Google mới bắt đầu tăng giá lên mức 649 USD. Hiện mẫu Pixel 4 XL mới nhất của đại gia công nghệ này có giá 999 USD. Mức giá đó không đắt đỏ bằng iPhone của Apple, nhưng nó vẫn thuộc hàng cao trên thị trường.

Samsung Electronics cũng theo bước các công ty công nghệ khác với việc nâng giá không ngừng cho dòng cao cấp Galaxy S của họ. Từ mức giá 400 USD cho đời Galaxy S đầu tiên, giá cho chiếc Galaxy S20 Ultra hiện đại nhất của Samsung vào năm 2020 đã lên tới 1.599 USD, trong khi mẫu smartphone có thể gập Galaxy Fold của họ có giá 1.980 USD.

Lý do cho sự “leo thang”

Ông Avi Greengart, Chủ tịch và nhà phân tích trưởng tại công ty nghiên cứu thị trường công nghệ Techsponential, cho biết thị trường smartphone đã bão hòa và người tiêu dùng đang có xu hướng không đổi điện thoại trong thời gian dài hơn. Vì vậy, các nhà sản xuất đang cố gắng kiếm được nhiều tiền hơn hơn từ mỗi sản phẩm họ bán được.

Song ông Greengart chỉ ra rằng các smartphone giá rẻ vẫn được ưa chuộng nhiều. Bằng chứng là các thiết bị điện thoại bán chạy nhất của Apple, Samsung và các hãng khác không phải những mẫu có giá cao nhất. Thay vào đó là những dòng giá phải chăng hơn như iPhone 11 của Apple (giá khởi điểm 699 USD) và Galaxy A50 của Samsung (350 USD).

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng “tiền nào của nấy”. Với một chiếc smartphone đắt tiền, khách hàng không chỉ nhận được một sản phẩm có phần cứng xuất sắc mà còn cả phần mềm hiện đại bậc nhất trên thị trường.

Ông Greengart cho biết các smartphone cao cấp đều có màn hình lớn và tốt hơn so với chỉ vài năm trước đây. Chúng đều được phủ một lớp kính chống vỡ, đi cùng các khung có khả năng chịu lực tốt hơn và viền màn hình được rút xuống mức tối thiểu.

Dung lượng pin và kích thước lưu trữ của những smartphone này cũng tăng lên đáng kể. Công nghệ bán dẫn cũng phát triển để smartphone có những bộ vi xử lý đủ sức cạnh tranh với máy tính xách tay về hiệu năng, bộ nhớ, chất lượng đồ họa và tính năng có sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI). Ngoài ra, các smartphone cũng được trang bị nhiều camera với các cảm biến phục vụ nhu cầu bảo mật bằng sinh trắc học.

Những mẫu smartphone đắt tiền nhất cũng luôn đi cùng các công nghệ độc đáo như màn hình và bản lề có thể gập lại, camera có cơ chế thu phóng kính tiềm vọng, khả năng định vị bằng sonar (hệ thống định vị vật dưới nước bằng âm hoặc siêu âm) hoặc LiDAR (cảm biến phát ra chùm tia laser công suất thấp tới môi trường, rồi tiếp nhận ánh sáng phản chiếu ngược lại phần cứng để xử lý thành hình ảnh 3D) hoặc có thể xử lý tần số vô tuyến.

Một yếu tố khác cũng góp phần đẩy giá smartphone lên cao hơn là phần mềm. Đúng là Google cho phép các nhà sản xuất tiếp cận hệ điều hành Android miễn phí, nhưng điều đó không có nghĩa là các nhà sản xuất điện thoại không phát triển hệ điều hành của riêng mình. Như Samsung đã mất nhiều công sức vào One UI. Tương tự, Huawei đầu tư vào EMUI, cũng như LG, Motorola, Sony, Xiaomi.

Chưa kể đến là các dịch vụ trợ lý ảo có ứng dụng AI như Siri (iPhone), Google Assistant (iPhone) và Bixby (Samsung). Nhà phân tích công nghệ Carolina Milanesi cho biết chi phí từ phía trung tâm dữ liệu và phí bản quyền của những ứng dụng này rất có thể sẽ còn tăng hơn nữa trong tương lai. Các nhà sản xuất smartphone chắc chắn sẽ không chịu những phí này một mình mà sẽ chuyển sang khách hàng bằng cách này hay cách khác.

Giới quan sát cho rằng rất khó để tưởng tượng rằng giá smartphone, đặc biệt là các mẫu cao cấp, sẽ giảm trong tương lai. Thay vào đó, người dùng có thể hy vọng các mẫu smartphone cao cấp sẽ tiếp tục mang tới những đột phá cả về mặt phần cứng lẫn phần mềm tương xứng với mức giá mà nhà sản xuất "gán" cho chúng.

H.Thủy ( Tổng hợp)
Realme ra mắt hệ sinh thái sản phẩm AioT và smartphone Realme C11
Realme ra mắt hệ sinh thái sản phẩm AioT và smartphone Realme C11

Ngày 9/7, Realme chính thức giới thiệu hệ sinh thái AIoT tại Việt Nam: đồng hồ thông minh Realme Watch, tai nghe Realme Buds Q và điện thoại Realme C11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN