Thương vụ lịch sử: IBM chi 34 tỷ USD mua lại công ty phần mềm Red Hat

Ngày 28/10, tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia IBM thông báo đạt được thỏa thuận mua công ty phần mềm Red Hat với giá 34 tỷ USD.

Chú thích ảnh
Tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia IBM đạt được thỏa thuận mua công ty phần mềm Red Hat với giá 34 tỷ USD. Ảnh: thesouthindianpost.com

Nếu được thông qua, đây sẽ là vụ sáp nhập công ty công nghệ lớn thứ 3 trong lịch sử mà IBM cho rằng sẽ giúp tăng cường các dịch vụ điện toán đám mây vốn là lĩnh vực tăng trưởng quan trọng của tập đoàn này. 

Theo thỏa thuận, IBM sẽ mua tất cả các cổ phiếu phổ thông lưu hành và phát hành của Red Hat với giá 190 USD/cổ phiếu bằng tiền mặt, cao hơn so với mức giá 116,68 USD/cổ phiếu chốt phiên giao dịch ngày 26/10. Phương thức thanh toán của IBM là bằng tiền mặt và nợ, thay vì trao đổi trái phiếu. 

IBM dự tính việc thâu tóm Red Hat sẽ giúp tăng doanh thu, biên lợi nhuận gộp (chỉ số quan trọng khi tính toán lợi nhuận của một hãng, là yếu tố cơ bản đại diện cho khả năng sinh lời và sức cạnh tranh của doanh nghiệp) và dòng tiền tự do của tập đoàn này trong vòng 12 tháng kể từ khi hoàn tất thương vụ.

Thỏa thuận này cần được các cổ đông của Red Hat thông qua cũng như phê chuẩn các quy định và dự kiến sẽ hoàn tất vào nửa cuối năm 2019. Sau khi sáp nhập, Red Hat sẽ tiếp tục hoạt động độc lập và do Chủ tịch và CEO đương nhiệm Jim Whitehurst phụ trách. 

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành IBM Ginni Rometty cho biết thương vụ sáp nhập Ret Hat sẽ thay đổi mọi thứ về thị trường điện toán đám mây. IBM sẽ trở thành nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lai (hybrid cloud) số một thế giới, cung cấp cho các doanh nghiệp giải pháp đám mây nguồn mở duy nhất có thể mở khóa toàn bộ giá trị của điện toán đám mây.

Đám mây lai là môi trường điện toán đám mây kết hợp giữa nền tảng đám mây được thiết kế riêng cho một tổ chức do bên thứ 3 cung cấp và các dịch vụ đám mây công cộng như Google hoặc Amazone. Bằng cách cho phép luân chuyển khối lượng công việc giữa các đám mây riêng và đám mây công cộng khi có những thay đổi về nhu cầu tính toán và chi phí, đám mây lai mang lại cho doanh nghiệp sự linh hoạt và nhiều tùy chọn triển khai dữ liệu hơn.

Vốn xuất phát điểm là tập đoàn sản xuất phần cứng máy tính, IBM đã chuyển hướng ưu tiên sang lĩnh vực điện toán đám mây trong chiến lược tăng trưởng của mình tương tự Amazone và Microsoft. Trong những năm gần đây, tập đoàn có trụ sở tại New York, Mỹ, này tập trung vào các thị trường như công cụ phân tích, điện thoại di động và an ninh nhằm bù lại sự giảm doanh thu trong lĩnh vực sản xuất truyền thống. Trong năm ngoái, doanh thu của IBM đạt 79 tỷ USD, trong đó các lĩnh vực mới chiếm khoảng 50%. 

Trong khi đó, Red Hat là một trong những công ty điện toán đám mây nguồn mở, cung cấp cho khách hàng các giải pháp được "đo ni đóng giày" cho họ. Lợi nhuận ròng của Red Hat đạt 259 triệu USD trong năm tài chính 2018, tăng 21% so với năm 2017.    Công ty có trụ sở ở bang Bắc Carolina này hiện có mặt ở 35 quốc gia trên thế giới với đội ngũ nhân viên hơn 12.000 người.

Red Hat được thành lập năm 1993 và cho ra mắt hệ điều hành Linux OS một năm sau đó, trở thành công ty tiên phong trong lĩnh vực điện toán đám mây nguồn mở cạnh tranh với "gã khổng lồ" công nghệ Microsoft vốn không công khai mã nguồn.

Thùy An (TTXVN)
Liên danh Apple-IBM thách thức BlackBerry
Liên danh Apple-IBM thách thức BlackBerry

Thương vụ hợp tác giữa hai tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ là Apple và IBM về việc sản xuất các thiết bị di động thông minh được thiết kế đặc biệt cho giới doanh nhân đang đe dọa hãng sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu của Canada BlackBerry.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN