Phát biểu trước một ủy ban của Thượng viện, ông Le Drian cho biết: "Chúng ta đều ý thức rõ về các nguy cơ từ vị trí của Huawei trong các mạng chính, các nguy cơ cũng có thể xuất phát từ sự hoạt động rộng của Huawei trong mạng 5G". Ông nói thêm rằng Chính phủ Pháp sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết vào thời điểm thích hợp.
Trước đó, người đứng đầu cơ quan an ninh mạng quốc gia Pháp cho biết Chính phủ Pháp đang có kế hoạch yêu cầu giám sát và kiểm soát các thiết bị 5G do lo ngại an ninh.
Pháp đã hòa cùng với một số nước phương Tây khác bày tỏ lo ngại rằng việc sử dụng các trạm gốc của Huawei và các thiết bị khác có thể tạo điều kiện cho Trung Quốc tiếp cận với cơ sở hạ tầng mạng quan trọng của toàn thế giới, cho phép họ theo dõi các chính phủ nước ngoài.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Le Drian cho biết ông sẽ thảo luận các lo ngại trên với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị khi ông này thăm Paris trong ngày 24/1.
Công nghệ 5G cho phép truyền gần như lập tức một lượng lớn dữ liệu, được xem là chìa khóa để đi vào thế giới Mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT), trong đó hàng tỷ bộ cảm biến sẽ được tích hợp vào các thiết bị gia dụng, hệ thống an ninh, thiết bị theo dõi sức khỏe, khóa cửa, xe hơi và thiết bị đeo... Huawei đã đầu tư hàng tỷ USD vào công nghệ này, chủ yếu cạnh tranh với hãng Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan.
Tuy nhiên, Mỹ, Anh và nhiều nước khác đã cảnh báo về các nguy cơ an ninh của Huawei. Ban lãnh đạo Huawei đã phản ứng mạnh mẽ với các cáo buộc của phương Tây. Chủ tịch Huawei Lương Hoa cảnh báo sẽ rút các đối tác tại các nước không hoan nghênh tập đoàn này.
Tháng 12/2018, cảnh sát đã bắt giữ Giám đốc Tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, cũng là con gái của nhà sáng lập tập đoàn này, theo đề nghị truy nã của Mỹ do vi phạm các trừng phạt của Mỹ chống Iran. Trung Quốc cáo buộc Washington "hành xử kiểu bắt nạt" sau khi chính quyền Mỹ xác nhận các kế hoạch tìm cách dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ xét xử.