Nhiều nước tính chặn viber, skype

Lo ngại việc sụt giảm doanh thu từ dịch vụ viễn thông truyền thống, vấn đề về an ninh cũng như tuân thủ các quy định về quản lý dịch vụ viễn thông, nhiều quốc gia đã đưa ra các chính sách quản lý dịch vụ này.

 


Ủy ban CNTT và Truyền thông ẢRập Xêút (CITC) hôm 18/7 phủ nhận các báo cáo cho rằng nước này đã chặn ứng dụng WhatsApp và Skype. Trước đó, tờ Al-Iktissadia đưa tin quan chức chuẩn bị chặn hai ứng dụng vì CITC và các nhà mạng viễn thông cho rằng Skype, WhatsApp không đồng ý với cách thức quản lý của nhà chức trách.

 

Tháng 6/2013, quốc gia Trung Đông chính thức chặn Viber vì khó kiểm soát và khiến doanh thu từ cuộc gọi, tin nhắn quốc tế của các nhà mạng trong nước suy giảm.

 

Trong một tuyên bố trên website, CITC viết: “Ứng dụng Viber bị tạm ngưng… khẳng định sẽ có hành động đúng đắn chống lại bất kì ứng dụng, dịch vụ nào nếu không tuân thủ yêu cầu và quy định pháp lý được thực thi trong vương quốc”.

 

Viber cho phép thuê bao thực hiện cuộc gọi, gửi tin nhắn và chia sẻ file miễn phí qua Internet. CITC không giải thích những yêu cầu và quy định bị Viber vi phạm. Mọi nỗ lực sử dụng Viber trên hai smartphone khác nhau và tải ứng dụng về máy tính trong lãnh thổ đều thất bại. Website Viber cũng cho biết dịch vụ đã bị chặn tại Ảrập Xêút.

 

Kể từ tháng 3/2013, nhà chức trách đã có lời cảnh báo các ứng dụng OTT (over-the-top) như Viber, WhatsApp, Skype vi phạm luật địa phương. Tại thời điểm đó, báo chí địa phương đưa tin ba hãng viễn thông lớn của Ảrập Xêút là Saudi Telecom, Etihad Etisalat (Mobily) và Zain Saudi đã đề nghị CITC kiểm soát hoặc chặn các ứng dụng này.

 

Tỉ lệ tiếp cận di động tại quốc gia Trung Đông vào cuối năm 2012 là 188%. Nước này hiện có 15,8 triệu thuê bao Internet. Theo YouTube, trung bình mỗi người Ảrập Xêút xem video trực tuyến nhiều gấp 3 lần người Mỹ.

 

Cuộc gọi và tin nhắn quốc tế từ lâu đã là nguồn thu không nhỏ cho các nhà mạng Ảrập Xêút, nơi có tới 9 triệu người xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người sử dụng ứng dụng nền Internet như Viber để liên lạc với người thân nơi quê nhà, khiến nhà mạng tổn thất không nhỏ.

 

Trung tuần tháng 6/2013, cơ quan quản lý viễn thông Ai Cập (NTRA) vừa lập một hội đồng để xem xét việc chặn hay không chặn, thả lỏng hay hạn chế những ứng dụng cho phép nhắn tin, gọi điện miễn phí như Viber, WhatsApp. Tuy nhiên, câu trả lời có vẻ quá rõ ràng khi những cá nhân được giao nhiệm vụ cho rằng các ứng dụng kể trên cần phải bị chặn vì ảnh hưởng của chúng tới đầu tư và an ninh, theo trang tin Ahram Online.

 

Theo người đứng đầu NTRA, Amr Badawy cho rằng, “các ứng dụng này cho phép người dùng gọi điện, nhắn tin và chia sẻ file miễn phí trong khi nguồn gốc không rõ ràng. Các dịch vụ trả trước sẽ bị tổn thất”.

 

Tuy nhiên, Ai Cập lại khá rắc rối trong “trận địa” ứng dụng OTT. Trước đó, NTRA cho biết Skype được phép gọi điện tới số cố định song lại cấm không được dùng cho cuộc gọi di động vì phải thông qua một cổng quốc tế. Cơ quan quản lí PURA của nước Gambia cũng ở vào vị trí giống với Ai Cập khi ban đầu chặn Skype song sau đó cho rằng chỉ các quán café Internet sử dụng Skype mới phạm pháp.

 

Hồi 2010, chính phủ Ấn Độ đe dọa sẽ áp đặt lệnh cấm đối với các thiết bị BlackBerry, nói rằng cơ quan mật vụ của Ấn Độ cần được truy cập tin nhắn của những kẻ tình nghi và có công cụ giải mã những tin nhắn đó nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố. Trước yêu cầu này, phía BlackBerry (khi đó có tên là RIM) nói rằng họ không có cách nào để chính công ty này cũng như các cơ quan luật pháp giải mã thông tin của doanh nghiệp gửi đi qua dịch vụ của BlackBerry.

 

Mới đây, thời báo Times of India cho biết chính phủ Ấn Độ dường như đã hạ thấp yêu cầu, không đòi quyền truy cập được những email của doanh nghiệp gửi đi qua BlackBerry Enterprise Server (giải pháp máy chủ dành cho doanh nghiệp của BlackBerry), mà chỉ cần biết danh sách các công ty đang sử dụng dịch vụ.

 

Tuy nhiên, Times of India đã trích dẫn thông tin “rò rỉ” từ tài liệu của Cục Viễn thông Ấn Độ, cho biết BlackBerry đã sẵn sàng cung cấp cho chính phủ nước này một hệ thống theo dõi tin nhắn người dùng gửi đi qua BlackBerry Messenger và một số dịch vụ khác của BlackBerry. BlackBerry đã đưa ra tuyên bố xác nhận sự hợp tác này: “Những đối tác nhà mạng của BlackBerry đáp ứng được tiêu chuẩn của chính phủ Ấn Độ đã có thể truy cập hợp pháp các dịch vụ nhắn tin cho người dùng cá nhân được cung cấp trên thị trường Ấn Độ. Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh, một lần nữa, rằng việc truy cập hợp pháp này không bao gồm BlackBerry Enterprise Server (dịch vụ về giải pháp máy chủ dành cho doanh nghiệp)”.

 

Apple có thể là đối tượng tiếp theo. Thông tin này khiến một số nhà phân tích tự hỏi, liệu Apple có trở thành tâm điểm chú ý tiếp theo của chính phủ Ấn Độ?. Apple đã từng nói rằng tất cả các đoạn hội thoại được gửi đi qua dịch vụ nhắn tin iMessage và dịch vụ gọi video Facetime đều sử dụng công nghệ mã hóa “end-to-end”, khiến không ai ngoại trừ người gửi và người nhận có thể hiểu được nội dung tin nhắn. “Ấn Độ sắp trở thành một thị trường lớn đối với Apple. Tại đó nhu cầu mua điện thoại thông minh của tầng lớp giàu có đang ngày càng gia tăng”, theo nhận định của ông Chris Green, một nhà phân tích công nghệ tại công ty tư vấn Davies Murphy Group. Do đó, Apple có thể sắp chịu áp lực tương tự như BlackBerry. “Apple có thể hoặc phải thay đổi hệ thống của họ ở Ấn Độ, hoặc phải đại tu toàn bộ hệ thống nhắn tin”, nhà phân tích này nói.

 

Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN