Những ưu tiên của ASEAN trong Cách mạng Công nghiệp 4.0
WEF ASEAN 2018 có sự tham dự của khoảng 1.000 đại biểu quốc tế và trong nước, trong đó có lãnh đạo cấp cao nhiều nước ASEAN và trong khu vực cũng như lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu trên thế giới.
“Khi nghĩ đến ASEAN, nhiều người từng nghĩ đến các vùng tài nguyên thiên nhiên hết sức phong phú và rằng Việt Nam là công xưởng sản xuất của thế giới. Tuy nhiên, trong làn sóng Cách mạng Công nghiệp 4.0 và sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ kỹ thuật, ASEAN ngày nay còn được biết đến là một trong những nơi nhiều đổi mới và sáng tạo. công nghệ cao và kinh tế số là lĩnh vực tiềm năng của nền kinh tế ASEAN với dự báo tăng gấp 4 lần tới trên 200 tỷ USD vào năm 2025”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận về những ưu tiên của ASEAN trong Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Để nâng cao năng lực nội khối ASEAN trong cuộc cách mạng 4.0, sáng kiến về hòa mạng di động một giá cước toàn ASEAN, hợp tác an ninh mạng, hợp tác đào tạo nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao… được các đại đại biểu trong nước và quốc tế ghi nhận tích cực.
Trong phiên họp có chủ đề “ASEAN số” (thuộc khuôn khổ Hội nghị WEF ASEAN 2018), quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, cần sử dụng cơ hội chuyển đổi số để làm cho ASEAN trở nên “phẳng” hơn, tạo ra sức mạnh mới cho từng thành viên và cả cộng đồng ASEAN.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng nêu 3 sáng kiến để hiện thực hóa ý tưởng về ASEAN phẳng. Cụ thể, sáng kiến “ASEAN - Roam Like Home” nhằm tăng cường kết nối khu vực thông qua việc giảm mạnh cước chuyển vùng quốc tế thông tin di động, hướng tới mục tiêu người dân ASEAN chỉ phải trả phí chuyển vùng quốc tế trong phạm vi ASEAN như ở nhà.
Để hiện thực hóa mục tiêu này một cách thống nhất và có lộ trình đến năm 2020, các nước cần cam kết nhanh chóng thúc ép mạnh mẽ, tạo động lực mạnh để các nhà mạng di động của mình tiến hành đàm phán giảm cước chuyển vùng.
Tiếp đó là sáng kiến thành lập Đại học thực nghiệm ASEAN 4.0 và xây dựng Mạng lưới chia sẻ nguy cơ mất an toàn thông tin chung cho ASEAN.
Hướng tới thế giới phẳng trong viễn thông
Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo tập đoàn VNPT cho biết ủng hộ sáng kiến hòa mạng di động một giá cước toàn ASEAN, VNPT cũng đã có kế hoạch sơ bộ để sẵn sàng tham gia triển khai sáng kiến này và đang chờ nội dung cụ thể hơn từ Bộ Thông tin Truyền thông.
Đại diện các doanh nghiệp viễn thông cho biết, để thực thi sáng kiến này cần sự đồng thuận của chính phủ các nước ASEAN, nhất là chính sách liên quan đến kinh doanh. Ở các nước ASEAN, các doanh nghiệp viễn thông đa dạng gồm cả doanh nghiệp tư nhân, đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp do Nhà nước quản lý… nên trước tiên có sự đồng thuận về giá cước.
Từ năm 2013, Bộ trưởng Công nghệ thông tin (CNTT) và Truyền thông các nước ASEAN chính thức thảo luận về chính sách miễn cước chuyển vùng (roaming) trong khu vực. Chính sách sẽ làm lợi cho người dân ASEAN nhờ chi phí liên lạc rẻ hơn. Các chuyên gia cho rằng, việc bỏ cước roaming sẽ thúc đẩy kết nối cho các khối kinh tế, nhưng nhà mạng có thể sẽ bị sụt giảm doanh thu mạnh khi thực thi chính sách này. Đây được xem như lực cản lớn cho mục tiêu này.
Hiện mới có Viettel đang áp dụng cho khách hàng cùng mức cước liên lạc như nhau gồm cuộc gọi, tin nhắn và lướt web giữa mạng Viettel (Việt Nam) – Metfone (Campuchia) – Unitel (Lào) từ đầu năm 2017 và và mới đây là Myanmar (Mytel). Đây là những nhà mạng Viettel có tham gia góp vốn đầu tư.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết: Ở góc nhìn của doanh nghiệp, sáng kiến là định hướng liên kết về cơ sở hạ tầng thông tin, cùng thúc đẩy phát triển công nghệ hạ tầng thông tin tại các nước ASEAN. Với doanh nghiệp được lợi nhiều mặt, nhất là các doanh nghiệp thương mại sẽ giúp giảm chi phí khi liên lạc, đồng thời thông suốt về thông tin khi các phần nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đang sử dụng giao dịch trên nền tang 4G.
Dù chưa giảm cước roaming, nhưng từ cuối năm 2017 và đầu năm 2018, Vinaphone (VNPT) đã giảm 95% và MobiFone cũng giảm 99% gói cước data roaming quốc tế. Việc giảm giá này do xu hướng tăng cường sử dụng các dịch vụ dữ liệu của người dùng khi ra nước ngoài. Do cước chuyển vùng (roaming) giữa các nước cao nên người dùng sử dụng các ứng dụng OTT (dạng như Zalo, viber…) thay cho phương thức gọi, nhắn tin truyền thống để liên lạc với nhau.