Kênh RT dẫn lời Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein tiết lộ về thông tin trên. Theo đó, hãng công nghệ Apple từ chối yêu cầu của tòa án giúp đỡ Bộ Tư pháp truy cập vào điện thoại của tên Syed Rizwan Farook- đồng phạm trong vụ xả súng tại San Bernardino. Do vậy FBI đã lựa chọn bỏ ra 900.000 USD để “đi đường tắt” trong cuộc đấu pháp lý với Apple.
Lực lượng chức năng khám xét chiếc xe mà tên Syed Rizwan Farook cùng vợ đã sử dụng để bỏ trốn. Ảnh: Reuters |
Được biết tên Syed Rizwan Farook cùng vợ là Tashfeen Malik đã xả súng và âm mưu đánh bom vào tháng 12/2015 khiến 14 người thiệt mạng và 22 người khác bị thương. Sau khi thực hiện tội ác, cặp đôi này đã thuê một chiếc SUV rồi chạy trốn. Cuối cùng, trong cuộc đấu súng với cảnh sát, Farook và vợ đã bị tiêu diệt. Lực lượng chức năng sau đó phát hiện ra chiếc điện thoại iPhone của Farook.
Hãng thông tấn AP đưa tin vào ngày 3/5, trong cuộc điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Feinstein nêu rõ: “Tôi vô cùng sốc khi vụ việc tại San Bernardino xảy ra và Bộ Tư pháp ra quyết định mở chiếc điện thoại đó rồi FBI lại phải chi 900.000 USD để bẻ khóa thiết bị này”.
“Sau khi biết đến những nguyên nhân của hành động này, tôi thấy rằng có lý do chính đáng để đột nhập vào dữ liệu chiếc điện thoại”, bà Feinstein bổ sung.
Sau tiết lộ trên, Giám đốc FBI James Comey không xác nhận hoặc phủ định con số này. Theo RT, đến ngày 5/5, phát ngôn viên của FBI cũng từ chối đưa ra bình luận.
Trong năm 2016, Giám đốc FBI Comey từng để lộ về con số này khi nói rằng chính phủ từng chi khoản tiền tương đương toàn bộ thu nhập của ông trong 7 năm. RT cho biết con số đó có thể cán mốc hơn 1 triệu USD.
Cuối cùng FBI công bố không tìm thấy điều gì đặc biệt sau khi đã bẻ khóa được chiếc iPhone của tên Farook. Việc đột nhập vào chiếc điện thoại đã giúp FBI nắm được câu trả lời cho một số nghi vấn về tên Farook nhưng không dẫn đến được đầu mối chắc chắn nào.
Những thông tin ban đầu đề cập rằng công ty Cellebrite của Israel đã hỗ trợ FBI trong việc bẻ khóa điện thoại iPhone. Nhưng sau đó, tờ Washington Post đưa tin FBI đã trả công cho những tin tặc chuyên nghiệp sử dụng phần mềm đột nhập vào điện thoại iPhone.
FBI coi dữ liệu trên là thông tin mật đồng thời bảo vệ danh tính của bên được trả tiền để làm công việc này. AP và nhiều cơ quan báo chí khác vào năm 2016 đã kiện FBI vì cơ quan này không tiết lộ thông tin và danh tính của bên thứ ba có liên quan. Tháng 1 vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ đã phản hồi bằng việc cung cấp những dữ liệu được soạn thảo.
Công chúng Mỹ đã có phản ứng trái chiều với cách ứng xử của Apple trước yêu cầu của tòa. Khảo sát ý kiến do CBS News thực hiện trên 1.022 người Mỹ cho thấy 50% ủng hộ FBI trong khi 45% đứng về phía Apple.