Trả lời về cáo buộc mới nhất, Facebook đưa ra tuyên bố "tin rằng bản án này không có giá trị và sẽ tự bảo vệ đến cùng". Trong khi luật sư bên nguyên đơn đưa vẫn chưa đưa ra phản hồi.
Facebook Inc. sẽ phải đối mặt một vụ kiện cáo buộc sử dụng bất hợp pháp tính năng "nhận diện khuôn mặt". Ảnh: AFP/TTXVN |
Năm 2015, các người sử dụng đã khởi kiện Facebook với những cáo buộc trang mạng xã hội này đã vi phạm Đạo luật bảo mật thông tin sinh trắc học (BIPA) của bang Illinois nghiêm cấm việc sử dụng, thu thập trái phép các thông tin sinh trắc học như vân tay, khuôn mặt của ngưởi sử dụng.
Cùng ngày 16/4, giới chức Facebook đã đưa ra lời giải thích về việc mạng xã hội này thu thập dữ liệu của cả những người không phải là thành viên của "cộng đồng mạng 2,1 tỷ dân" này.
Chia sẻ trên trang blog của Facebook, Giám đốc tiếp thị sản phẩm David Baser cho biết: "Khi bạn truy cập một trang web hoặc ứng dụng sử dụng nền tảng các dịch vụ của chúng tôi, chúng tôi sẽ nhận được thông tin của bạn, bất kể bạn đã đăng xuất Facebook hoặc không có tài khoản Facebook".
Theo ông Baser, nhiều trang web và ứng dụng đã sử dụng nền tảng dịch vụ Facebook để định hướng nội dung và quảng cáo tới người sử dụng Internet, như thu thập thông tin và thị hiếu của các chủ tài khoản Facebook thông qua tương tác Like (thích) và Share (chia sẻ), khi người sử dụng Internet truy cập các trang web và ứng dụng khác thông qua tài khoản Facebook. Ông Baser đồng thời cho biết đây là biện pháp khảo sát khách hàng rất phổ biến trong thế giới mạng, được nhiều công ty danh tiếng sử dụng, trong đó có cả Google và Twitter.
Trong khi đó, theo kế hoạch, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách các vấn đề kỹ thuật số sẽ có cuộc họp với CEO Facebook ông Mark Zuckerberg trong ngày 17/4, và một cuộc gặp khác với Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai để thảo luận về các vấn đề như bảo vệ dữ liệu, tính riêng tư trực tuyến, nội dung bất hợp pháp và thông tin giả mạo.
Trước đó, ông Zuckerberg ngày 10/4 đã thừa nhận sai lầm, xin lỗi người sử dụng và khẳng định sẽ không từ chức trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ liên quan bê bối lộ dữ liệu 87 triệu tài khoản cá nhân. Ông Zuckerberg khẳng định Facebook "không bán thông tin của người dùng" song ông cũng cho biết việc chia sẻ thông tin là "có xảy ra" và điều này đã được thông báo với người đăng ký tài khoản ngay trong "điều khoản dịch vụ của Facebook".
Ông Zuckerberg cho hay quy định về bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của châu Âu sẽ có hiệu lực vào ngày 25/5 là mạnh hơn so với những gì Facebook đang áp dụng và đây có thể là mô hình cho các quy định tại Mỹ trong tương lai. Ông xác nhận Facebook sẽ thực thi các tiêu chuẩn GDPR đối với người dùng tại châu Âu trong tháng tới, và một số quy định sẽ được áp dụng với người dùng tại Mỹ và các nơi khác sau đó.