Trong phán quyết của mình, ECJ cho rằng thỏa thuận trên không thể cung cấp đủ sự bảo vệ cho người dân châu Âu trước các đạo luật an ninh và giám sát của Mỹ.
Phán quyết của tòa được đưa ra trong vụ kiện do nguyên đơn là một nhà hoạt động người Áo Max Schrems. Ông Schrems cho biết: "Vì sự riêng tư của chúng ta, Mỹ sẽ phải cam kết cải cách nghiêm túc việc giám sát'". Ông Schrems đâm đơn kiện sau khi có các tiết lộ của cựu nhân viên Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden về việc các cơ quan của Mỹ do thám kỹ thuật số hàng loạt, vụ mà tòa án châu Âu khi đó khẳng định không phù hợp với các tiêu chuẩn về quyền riêng tư của châu lục này.
"Lá chắn bảo mật" là khuôn khổ để điều chỉnh việc trao đổi dữ liệu cá nhân xuyên Đại Tây Dương cho các mục đích thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Hiện có hơn 5.000 công ty Mỹ sử dụng thỏa thuận này. Tuy nhiên, với phán quyết trên, "Lá chắn bảo mật" đã bị vô hiệu hóa. Các thẩm phán cho biết dù thỏa thuận này đòi hỏi Mỹ phải tuân thủ luật pháp châu Âu về quyền riêng tư, nhưng các điều khoản trong thỏa thuận "không cho phép người châu Âu quyền kiện ra tòa chống lại chính quyền Mỹ".
CCIA, một tổ chức vận động hành lang cho đại gia công nghệ Mỹ Facebook, chỉ trích phán quyết trên của tòa, cho rằng phán quyết này "gây ra sự bất trắc về pháp lý đối với hàng nghìn công ty lớn nhỏ ở hai bờ Đại Tây Dương". CCIA bày tỏ hy vọng EU và các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ tìm một giải pháp bền vững, phù hợp với luật pháp EU, để đảm bảo sự liên tục của các dòng dữ liệu đang củng cố nền kinh tế xuyên Đại Tây Dương.