Đối phó với thách thức trong kỷ nguyên kết nối

Không khí bao trùm lên Diễn đàn quốc tế về an ninh mạng 2019, diễn ra ngày 22-23/1 tại thành phố Lille, miền Bắc nước Pháp, là sự lo lắng của các chuyên gia trước những mối đe dọa ngày càng nhiều và dưới những hình thức ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn, trong một thế giới ngày càng kết nối, càng liên quan chặt chẽ với nhau.

Không gian mạng đang trở thành trọng tâm hơn bao giờ hết trong cuộc sống của con người, mở ra nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đem đến không ít nguy cơ nghiêm trọng mà không một quốc gia nào có thể “miễn nhiễm”. Sự phát triển của tội phạm công nghệ cao và sự lây lan nhanh chóng của các phần mềm độc hại gây nguy hiểm cho nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng cấp quốc gia, cũng như những dữ liệu cá nhân của người sử dụng Internet.

Chú thích ảnh
Diễn đàn an ninh mạng quốc tế là một phần của quá trình phản ánh, trao đổi nhằm
để thúc đẩy một tầm nhìn châu Âu về an ninh mạng. Ảnh: forum-fic.com

Các chuyên gia chia sẻ chung nhận định rằng trong năm 2018, các cuộc tấn công mạng gia tăng và liên tục thay đổi hình dạng. Ông Guillaume Poupard, Giám đốc Cơ quan quốc gia Pháp về bảo mật hệ thống thông tin (ANSSI), tỏ ra lo ngại trước mối đe dọa “ngày càng mạnh mẽ hơn và khó nắm bắt hơn". Năm 2018 đã ghi nhận nhiều lỗ hổng bảo mật, một số trong đó liên quan đến những tên tuổi lớn trong ngành công nghệ cao như Facebook, Google và Intel.

Năm 2019 cũng chưa hứa hẹn một sự tiến bộ trong việc giải quyết vấn nạn này. Tuần trước, một tệp dữ liệu cá nhân khổng lồ đã được một tin tặc ẩn danh công bố rộng rãi trên mạng, bao gồm khoảng 772 triệu địa chỉ thư điện tử và 21 triệu mật khẩu.

Từ giới chính trị gia, doanh nhân cho đến người dân bình thường đều đứng trước rủi ro bị lộ thông tin trên mạng. Lợi ích an ninh quốc gia bị đe dọa những bí mật kinh doanh bị “đánh cắp”, quyền riêng tư cá nhân bị xâm phạm… Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, một khi an ninh mạng không được đảm bảo, đồng nghĩa với việc không có khái niệm an toàn, và con người đứng trước mối đe dọa khủng khiếp nhưng lại “vô hình”, khó chống đỡ.

Tuy nhiên, các cơ quan nhà nước luôn là mục tiêu số một của các cuộc tấn công mạng, nhằm tìm kiếm các thông tin nhạy cảm có thể hạ uy tín, thậm chí làm sụp đổ một chính quyền. Trong lĩnh vực công nghiệp, các ngành quan trọng mà tin tặc thường nhắm tới là sản xuất vũ khí, hàng không và không gian vũ trụ. Các chuyên gia thậm chí còn lo ngại trước kịch bản nhiều cuộc tấn công được thực hiện ngày nay là để phục vụ cho cuộc chiến trong tương lai.

Để có thể làm suy yếu một mạng lưới năng lượng hoặc viễn thông quan trọng, đòi hỏi nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm chuẩn bị. Đây là lý do tại sao có những cuộc tấn công mạng xảy ra mà hiện chưa thể giải thích được mục đích của chúng. Khi đó, không phải cuộc tấn công gián điệp, phá hoại hoặc đánh cắp dữ liệu, mà tin tặc đang chuẩn bị các cuộc xung đột kỹ thuật số trong tương lai, vô cùng bạo lực và gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Tình hình những năm gần đây cũng cho thấy mức độ nguy hiểm của nguy cơ "chạy đua vũ trang" phục vụ cho những xung đột không gian mạng trong tương lai. Rất nhiều quốc gia đã có đầy đủ phương tiện để chuẩn bị các cuộc chiến như vậy. Một trong những nỗi e ngại lớn nhất trong giới chuyên gia an ninh mạng là việc tăng cường các khả năng tấn công sẽ tạo ra một thế giới kỹ thuật số cực kỳ bất ổn, với nguy cơ gây ra xung đột leo thang.

Sự phá hủy trên diện rộng hoàn toàn có thể xảy ra vì kỹ thuật số hiện diện ở khắp mọi nơi. Tất cả các mạng lưới nước, điện, khí đốt và viễn thông đều được số hóa hoặc đang trong quá trình số hóa. Đơn cử như một nhóm khủng bố khi gây ra một thảm họa hàng không, đường sắt hoặc hàng hải, có thể sẽ làm cho toàn bộ hệ thống bị ngưng trệ trên phạm vi toàn cầu, với những hậu quả kinh tế và xã hội khó lường.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly, dù đến nay, các cuộc tấn công mạng chưa gây ra thiệt hại rộng lớn và lâu dài cho các quốc gia, nhưng đó có lẽ “chỉ là vấn đề thời gian". Đặc biệt, sự kết hợp trong tương lai giữa các cuộc tấn công mạng và trí tuệ nhân tạo, có thể sẽ đẩy cuộc chiến trên mạng diễn ra với tốc độ nhanh vượt quá mọi hiểu biết của con người. Nguy cơ các cuộc chiến trên mạng có thể dẫn đến một cuộc xung đột quốc tế thực sự giữa các cường quốc, đang ngày càng hiện hữu.

Thực tế này cho thấy, mối đe dọa an ninh mạng là một thách thức toàn cầu đang tồn tại và sẽ còn dai dẳng trong tương lai. Diễn đàn quốc tế 2019 đưa ra lời kêu gọi "Ổn định không gian mạng" nhắm đến mọi đối tượng, từ cơ quan công quyền đến các doanh nghiệp tư nhân và từng người dân.

Điều kiện tiên quyết là tất cả các bên cùng chung tay góp sức, vì an ninh mạng phải vượt ra khỏi phạm vi hẹp như hiện nay để thu hút sự tham gia của tất cả các tác nhân của thế giới kỹ thuật số, liên quan đến mọi vấn đề chính trị, kinh tế hay xã hội. Để đảm bảo quyền lợi của các công dân, bảo vệ họ trên mạng cũng như trong đời thực, các quốc gia phải hành động đồng bộ, hợp tác chặt chẽ với các đối tác tư nhân và cộng đồng các nhà nghiên cứu khoa học.

Pháp, nước chủ nhà của tại Diễn đàn quốc tế 2019, đặt vấn đề an ninh mạng là ưu tiên hàng đầu và có tham vọng  trở thành quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này. Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly khẳng định Pháp sẽ trang bị đầy đủ vũ khí không gian mạng cho các hoạt động quân sự của mình, vì theo bà "chiến tranh mạng đã bắt đầu và Pháp phải sẵn sàng chiến đấu".

Từ nay đến năm 2025, Pháp sẽ tuyển dụng thêm 1.000 nhân viên tác chiến không gian mạng, thuộc quân số của Bộ chỉ huy phòng thủ không gian mạng (Comcyber), Tổng cục an ninh đối ngoại (DGSE) và Tổng cục vũ khí (DGA). Bên cạnh đó, hơn 1,6 tỷ euro sẽ được đầu tư cho các thiết bị phục vụ cuộc chiến công nghệ cao này.

Ở cấp độ quốc tế, vấn đề này luôn nằm trong chương trình nghị sự của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã đưa ra Lời kêu gọi Paris bao hàm các nguyên tắc chung để bảo vệ an ninh mạng. Lời kêu gọi này đã nhận được sự ủng hộ của 64 quốc gia, 129 tổ chức quốc tế và 328 doanh nghiệp trong đó có những tên tuổi lớn trong làng công nghệ cao như Microsoft, Google, Facebook, Samsung, IBM, Intel, Samsung và Cisco. Bảo mật không gian mạng cũng là một trong những chủ đề của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) sẽ diễn ra vào tháng 8 tới tại Pháp.

Quy định của Liên minh châu Âu (EU) về bảo vệ dữ liệu cá nhân (RGPD) cũng đã được đưa vào thực thi. Tuy vậy, những người tham gia Diễn đàn quốc tế 2019 cho rằng EU cần phải ban hành một văn bản cụ thể như một đạo luật quốc tế về an ninh mạng, bởi một số khía cạnh trong vấn đề an toàn không gian mạng được cho là rất khó đạt được sự đồng thuận với một số quốc gia. Tuy nhiên, trong một thế giới toàn cầu hóa, các quốc gia không thể đảm bảo an ninh mạng nếu không liên minh với nhau.

Với thông điệp “Cùng kết nối, cùng liên quan, cùng có trách nhiệm”, Diễn đàn quốc tế về an ninh mạng 2019 đã đưa ra những sáng kiến và giải pháp hiệu quả, góp phần giúp thế giới không rơi vào "tình trạng chiến tranh lạnh trong không gian mạng”. Quan trọng hơn, cộng đồng quốc tế có thể nâng cao nhận thức rằng thế giới chỉ có thể bảo đảm an ninh mạng với sự chung tay hợp lực.

Linh Hương (Pv TTXVN tại Pháp)
Báo cáo của Nexusguard về hiểm họa an ninh mạng trong quý 3/2018

Theo báo cáo của Nexusguard, trong quý 3/2018, có tới 2/3 cuộc tấn công DDoS trên toàn cầu nhắm vào dịch vụ truyền thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN