Các doanh nghiệp nước ngoài như Whatsapp, Viber, WeChat… đang cung cấp dịch vụ thoại và sms trên hạ tầng băng rộng của Việt Nam, nhưng lại không phải chịu bất cứ ràng buộc về pháp lý, điều này có nghĩa là vấn đề chủ quyền quốc gia trên internet đang bị bỏ ngỏ.
Lo ngại chủ quyền quốc gia và an toàn an ninh
Phát biểu tại cuộc họp với Bộ TT&TT mới đây, đại diện một nhà mạng lớn cho rằng, vấn đề chủ quyền quốc gia trên mạng viễn thông đã được quy định rõ ràng ví dụ như việc kết nối mạng cáp quang biển thì đối tác quốc tế được kết nối đến vị trí nào.
Thế nhưng, xu hướng hiện nay đang chuyển từ môi trường kinh doanh thuần túy sang kinh doanh trên mạng Internet băng rộng nên khái niệm biên giới không còn rõ ràng. Vị đại diện này đưa ra ví dụ, hiện nay các doanh nghiệp OTT (Over The Top) nước ngoài như Viber, Line… đang kinh doanh giống như các mạng viễn thông của Việt Nam (cung cấp dịch vụ thoại và sms) nhưng không chịu bất cứ sự quản lý nào. Thực tế này cho thấy vấn đề chủ quyền quốc gia, quyền lợi quốc gia trên mạng Internet, cũng như hàng loạt vấn đề về an ninh phải được đặt ra.
“Nếu các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia cung cấp dịch vụ viễn thông phải chịu các quy định pháp luật ở Việt Nam, phải nộp thuế và nhiều nghĩa vụ khác thì các doanh nghiệp OTT nước ngoài như Viber, Line… cũng đang cung cấp các dịch vụ trên hạ tầng băng rộng của chúng ta mọi nơi mọi lúc, nhưng lại không phải chịu ràng buộc về pháp luật. Đây là yếu tố đe dọa phát triển kinh doanh của doanh nghiệp trong nước cũng như vấn đề về an ninh chủ quyền quốc gia”, vị này nói.
Ông Nguyễn Minh Đức- Giám đốc bộ phận An ninh mạng của Bkav thì nhận định, nguy cơ trước hết đến từ yếu tố đa phần người dùng trong nước nhận thức về vấn đề an ninh, bảo mật của dịch vụ OTT còn kém. Khi lựa chọn ứng dụng, người dùng thường không quan tâm đến tính năng bảo mật của nhà cung cấp dịch vụ mà đơn thuần chỉ là tính năng đó có “hot” hay không (thông qua các kênh quảng cáo), có miễn phí không, và thậm chí chỉ cần thấy có phần mềm trên kho ứng dụng là cài ngay, không để ý đếnnhững thông tin cam kết, ràng buộc đi kèm từ nhà cung cấp dịch vụ.
Như với ứng dụng Viber, các điều khoản về bảo vệ quyền riêng tư của ứng dụng này cho thấy, khi đăng nhập, toàn bộ thông tin trong danh bạ điện thoại của người dùng sẽ được tải lên máy chủ của Viber. Thậm chí, với WeChat, họ còn có điều khoản cung cấp những thông tin của người dùng cho bên thứ 3 khi có yêu cầu. Đối với vấn đề này, ông Đức cho rằng, mặc dù đến thời điểm này tại Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào bị mất dữ liệu cá nhân, ảnh hưởng do bị rò rỉ thông tin từ việc dùng dịch vụ OTT; nhưng không thể loại trừ hoàn toàn trường hợpcác nhà cung cấp dịch vụmang ý đồ không tốt có quyền can thiệp vào hoặc hacker lợi dụng tấn công để lấy nội dung tin nhắn, dữ liệu cuộc gọi hay danh bạ, xác định vị trí... của người dùng tại các tổ chức, doanh nghiệp.
Nhiều quốc gia buộc doanh nghiệp OTT nước ngoài tuân thủ luật
Thực tế hiện nay nhiều quốc gia đã đặt ra vấn đề chủ quyền quốc gia cũng như vấn đề an ninh đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT nước ngoài. Mới đây, Cơ quan quản lý viễn thông Pháp (Arcep) yêu cầu cơ quan công tố Paris điều tra Skype nhằm yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ OTT này tuyên bố là một nhà khai thác viễn thông điện tử. Skype là một dịch vụ truyền thông trực tuyến hoạt động trên nền mạng viễn thông (OTT), tức là sử dụng nội dung và băng thông của mạng viễn thông để cung cấp các dịch vụ gọi điện qua Inernet (VoIP). Theo Arcep, khi một công ty hoạt động với tư cách nhà mạng viễn thông, họ phải gánh chịu một số nghĩa vụ, như cung cấp kết nối với số máy khẩn cấp và có các phương tiện cho phép chính quyền thực hiện hoạt động nghe lén hợp pháp. Theo luật pháp của nước Pháp, một công ty viễn thông không cần phải có giấy phép hành chính thì mới được hoạt động, nhưng công ty đó phải đứng ra công bố trước. Skype không chịu tuyên bố là một công ty viễn thông, và việc không tuân thủ pháp luật bị coi là phạm tội hình sự.
Ả RậpXê-út cũng vừa đình chỉ hoạt động của Viber- dịch vụ nổi tiếng cho phép nhắn tin và gọi điện miễn phí qua Internet -vì không thực hiện đúng một số quy định của nước này. Ứng dụng Viber đã bị chặn tại Ả RậpXê-út từ ngày 5/6/2013. Kể từ ngày đó, người dùng tại Ả RậpXê-út không thể truy cập Viber trên bất kỳ thiết bị nào, kể cả máy tính. Viber cũng thông báo trên website của hãng là dịch vụ đã bị cấm tại Ả- Rập Xê- út. Ủy ban Công nghệ Thông tin và Truyền thông của Ả RậpXê-út (CITC) cảnh báo rằng họ sẽ có “hành động thích hợp” chống lại những “ứng dụng hoặc dịch vụ không tuân theo quy định khác”.
Viber và hai dịch vụ Skype, WhatsApp đã nhận được cảnh báo từ cơ quan quản lý viễn thông của Ả rập Xê-út từ tháng 3/2013. CITC muốn những dịch vụ nhắn tin, gọi điện và gửi file miễn phí qua Internet phải thiết lập máy chủ ở địa phương để quản lý hoạt động của người dùng. CITC cho các công ty trên thời hạn1 tuần để thực hiện. Hai tháng đã trôi qua, CITC quyết định cấm Viber- dịch vụ nhỏ nhất trong 3 dịch vụ nói trên- để cảnh báo Skype và WhatsApp.