Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ông Cooper cho biết thiết bị nhỏ gọn mà dường như tất cả mọi người hiện nay đều sở hữu có tiềm năng gần như vô hạn, thậm chí một ngày nào đó có thể giúp chế ngự bệnh tật. Điện thoại di động tiếp tục cải thiện cuộc sống và hiện trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống với những tính năng ngày càng mở rộng.
Theo kỹ sư 92 tuổi này, trong tương lai, chúng ta có thể thấy điện thoại di động sẽ cách mạng hóa giáo dục và y tế. Giống như đồng hồ theo dõi nhịp tim và điện thoại theo dõi máy trợ thính, một ngày nào đó điện thoại sẽ được kết nối với một loạt cảm biến cơ thể, có khả năng phát hiện bệnh tật trước khi bệnh phát triển.
Mặc dù vẫn còn một chặng đường dài để chế tạo ra chiếc điện thoại kỳ diệu đó và hiện chưa thể hình dung được mọi hướng phát triển, song ông Cooper tin rằng thiết bị mà ông và nhóm của ông chế tạo ra sẽ thay đổi thế giới. Tuy nhiên, Cooper chia sẻ ông đặc biệt lo ngại khi thấy một người nào đó đi bộ qua đường và nhìn chăm chăm vào điện thoại di động.
Từ những thiết bị cầm tay cỡ "cục gạch" khá phổ biến với các nhà môi giới chứng khoán cho đến những chiếc máy tính tốc độ nhanh có thể nằm gọn trong túi của tất cả chúng ta ngày nay, những chiếc điện thoại di động đã được cải tiến mạnh mẽ sau nửa thế kỷ đổi mới.
Ngày 3/4/1973, ông Cooper, một kỹ sư của hãng Motorola (Mỹ), đã thực hiện cuộc gọi đầu tiên từ một thiết bị di động có tên là DynaTAC cho Joel Engel, một đối thủ cạnh tranh làm việc cho Bell Labs, từ Đại lộ số 6 ở New York (Mỹ).
Vào thời điểm đó, ông Cooper đang làm việc cho Motorola, lãnh đạo một nhóm các nhà thiết kế và kỹ sư tham gia cuộc đua nước rút để tạo ra công nghệ di động phù hợp đầu tiên. Motorola đã đầu tư hàng triệu USD vào dự án với hy vọng đánh bại Bell System, tập đoàn thống trị ngành viễn thông Mỹ trong hơn một thế kỷ kể từ khi thành lập năm 1877.
Các kỹ sư của Bell đã đưa ra ý tưởng về một hệ thống điện thoại di động ngay sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Đến cuối những năm 1960, họ đã tiến xa đến mức đưa điện thoại vào ô tô - một phần là do chúng cần có lượng pin khổng lồ. Tuy nhiên, đối với ông Cooper, điều đó không đại diện cho tính cơ động thực sự. Cuối năm 1972, ông quyết định muốn có một thiết bị mà con người có thể sử dụng ở bất cứ đâu.
Vì vậy, với toàn bộ nguồn lực của Motorola, ông đã tập hợp các chuyên gia về chất bán dẫn, bóng bán dẫn, bộ lọc và ăng-ten, những người đã làm việc suốt ngày đêm trong 3 tháng. Đến cuối tháng 3/1973, họ đã cho ra mắt chiếc điện thoại DynaTAC - Dynamic Adaptive Total Area Coverage. Chiếc điện thoại này nặng khoảng 2,5 kg và có thời lượng pin khoảng 25 phút đàm thoại. Thế nhưng, phải mất thêm 10 năm nữa, chiếc điện thoại di động đầu tiên mới được tung ra thị trường.
Năm 1983, Motorola bắt đầu bán DynaTAC 8000X tại Mỹ với giá 3.995 USD. Được đặt biệt danh là “cục gạch”, nó nặng gần 1 kg và dài 33 cm.
Đến ngày 3/12/1992, kỹ sư người Anh Neil Papworth đã dùng một chiếc máy tính cá nhân gửi đi dòng tin nhắn SMS đầu tiên thông qua mạng viễn thông Vodafone tới điện thoại của người đồng nghiệp Richard Jarvis - nhân viên của hãng Vodafone với nội dung ngắn gọn "Giáng sinh vui vẻ". Thông điệp này đã được bán đấu giá dưới dạng tài sản số NFT năm 2021 với giá 150.000 USD.