Những ngày qua, số ca mắc COVID-19 ở tỉnh Đồng Tháp tăng liên tục. Điều này gây áp lực lớn đối với hệ thống y tế, quá tải cho cơ sở điều trị F0 tập trung. Đồng Tháp đang nỗ lực giải quyết tình trạng F0 tăng cao, trong đó, tập trung thay đổi phương thức điều trị F0 và đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19.
Thay đổi phương thức điều trị F0
Trong 11 ngày qua, tỉnh Đồng Tháp có 4.359 ca mắc COVID-19 (trung bình 396 ca/ngày), trong đó, có tới 1.211 ca trong cộng đồng. Từ đầu tháng 6/2021 đến nay, Đồng Tháp ghi nhận 15.204 ca nhiễm COVID-19, đã điều trị khỏi bệnh 10.807 ca; tử vong 237 ca. Hiện, tỉnh đang điều trị 4.152 ca F0, trong đó có 3.988 ca không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, chiếm hơn 96%; 80 ca bệnh nặng và rất nặng. Đồng Tháp có 19 cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 với công suất tối đa 3.036 giường. Tuy nhiên, tỉnh đang phải tiếp nhận điều trị đến hơn 4.150 ca mắc COVID-19, thiếu gần 1.120 giường điều trị F0 so với số ca bệnh tiếp nhận.
Trước tình hình quá tải ở cơ sở điều trị F0 tập trung cùng với việc đa số người mắc COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, tỉnh đang tính toán, thay đổi phương thức điều trị cho F0. Thay vì cách ly, điều trị tất cả các trường hợp F0 tại cơ sở điều trị tập trung như trước đây, Đồng Tháp chuyển sang phương án cho cách ly, điều trị tại nhà đối với những đối tượng F0 không có triệu chứng, đã tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19, người trẻ tuổi…
Ông Nguyễn Lâm Thái Thuận, Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp cho rằng: “Do số ca mắc COVID-19 tăng nhanh nên các địa phương chuyển quan điểm điều trị COVID-19, cho những F0 đủ điều kiện theo quy định được điều trị tại nhà và đó là xu hướng tất yếu”.
Trong việc điều trị F0, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong yêu cầu, ngành Y tế và các ngành liên quan sắp xếp, phân tầng điều trị hợp lý để hạn chế thấp nhất số ca chuyển biến nặng và ca tử vong. Trước mắt, cần phân loại F0 thành 3 nhóm, gồm: F0 điều trị tại nhà; F0 điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị cấp huyện, F0 điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị cấp tỉnh. Đồng thời, ngành Y tế cần có quy định tiêu chuẩn, hướng dẫn quản lý cụ thể từng nhóm đối tượng, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nội dung này tại các địa phương để có hỗ trợ kịp thời.
“Trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện người nhiễm COVID-19, đối tượng F0 phải được ngành chức năng phân loại để kịp thời chọn nơi điều trị phù hợp” - ông Lê Quốc Phong nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp Nguyễn Lâm Thái Thuận, tỉnh đã thành lập các trạm y tế lưu động tại các xã, phường, thị trấn để phối hợp với những Tổ nhân dân tự quản và các đoàn thể tại địa phương quản lý, chăm sóc sức khỏe của F0, xét nghiệm, truyền thông sức khỏe và khám điều trị bệnh. Đến nay, mỗi trạm y tế đều có 2 bình ô xy nén, 2 máy tạo ô xy khí trời và được trang bị 100 gói thuốc, gồm các nhóm hạ sốt, vitamin, thuốc kháng viêm… Cùng với chuẩn bị thực hiện phương án điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà, một số địa phương trong tỉnh đã thực hiện cách ly đối tượng F1 tại nhà. Việc này nhằm giảm chi phí, áp lực tại những cơ sở cách ly tập trung, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cả vào ban đêm
Từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, các địa phương ở Đồng Tháp đã nỗ lực phòng, chống dịch. Hàng loạt giải pháp được triển khai như: tăng cường xét nghiệm tầm soát COVID-19 trong cộng đồng; quản lý chặt chẽ khu phong tỏa, khu cách ly…, đặc biệt là tăng tốc tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ngoài điểm tiêm tại trạm y tế cấp xã, trung tâm y tế cấp huyện, các địa phương còn thành lập thêm những điểm tiêm khác (phân bố theo vị trí địa lý) nhằm phân tán, tránh tập trung đông người và tăng công suất tiêm chủng lên 70.000 liều/ngày.
Nhiều xã, phường, thị trấn đẩy mạnh tiêm vaccine, thực hiện cả vào ban đêm và ngày nghỉ. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong khẳng định, Đồng Tháp được phân bổ nhiều đợt vaccine và số lượng vaccine để phủ mũi 1 là không thiếu. Ông Lê Quốc Phong chỉ đạo, ngành y tế và các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19, sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Để không bỏ sót đối tượng khi tiêm ngừa, các địa phương cần rà soát kỹ tất cả người dân đang có mặt trên địa bàn, không phải chỉ căn cứ vào những người có hộ khẩu thường trú ở Đồng Tháp.
Bà Nguyễn Thị Thùy Trang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh cho biết: “Địa phương tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 thông thường kết thúc lúc 18 giờ. Tuy nhiên gần đây, lượng vaccine về nhiều, để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, lực lượng y tế xã làm việc cả vào ban đêm, kéo dài thời gian tiêm vaccine tới 21 giờ. Với công suất tiêm 60 liều/giờ nên có thêm gần 200 người được tiêm ngừa vào buổi tối”.
Ông Nguyễn Văn Mách, người dân xã Mỹ Xương cho hay: “Gần đây, xã tổ chức tiêm vaccine vào buổi tối. Tôi rất ủng hộ việc này vì tiêm càng sớm thì càng tốt”. Thực hiện phương châm “Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”, xã Mỹ Xương quyết liệt tổ chức tiêm nhanh, an toàn. Nhờ đó hiện nay, 98% người trên 18 tuổi trên địa bàn xã đã được tiêm vaccine phòng COVID-19. Còn hơn 80 người chưa tiêm do lớn tuổi, mắc bệnh nền, khuyết tật, đi lại khó khăn… sẽ được Tổ tiêm chủng lưu động của Trung tâm Y tế huyện Cao Lãnh đến tiêm trong thời gian tới.
Tính đến ngày 18/11, Đồng Tháp đã tiêm được 1.823.991 liều vaccine ngừa COVID-19. Trong đó, tiêm mũi 1 là 1.105.357 liều, đạt 81,41% dân số và tiêm mũi 2 là 718.634 liều, đạt gần 53% dân số từ 18 tuổi trở lên. Tỉnh cũng đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 15 - 17 tuổi được 53.370 liều, đạt 91,23%.
Ngoài ra, để nhanh chóng giảm dần số ca lây nhiễm, giai đoạn này, các địa phương, sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường phối hợp quản lý chặt chẽ địa bàn; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K để mọi người nâng cao ý thức phòng dịch… Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu, cả hệ thống chính trị cần vào cuộc mạnh mẽ hơn trong công tác phòng, chống dịch.
“Thích ứng với tình hình dịch bệnh thì phải có sự đổi mới hơn để tránh bị động. Do đó, các địa phương không thể nào chống dịch theo cách cũ, mà tận dụng những kinh nghiệm đã có trong thời gian qua để thực hiện cách làm mới cho phù hợp. Đặc biệt, tránh chủ quan, lơ là trong kiểm soát địa bàn và phải củng cố hệ thống y tế cơ sở” - ông Phạm Thiện Nghĩa nói.