Năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển với nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,0%, đứng thứ 7/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, đứng thứ 36/63 tỉnh, thành phố. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Nhiều chỉ tiêu kinh tế có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: Tổng vốn đầu tư phát triển tăng 7,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 8,5%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 8,5%; giá trị xuất khẩu hàng tăng 19,4%. Lượng khách du lịch tăng 31,4%, doanh thu từ hoạt động du lịch tăng 56,4% so với cùng kỳ.
Tỉnh Yên Bái đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3,76%, vượt kế hoạch đề ra; hoàn thành kế hoạch hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo năm 2023 với gần 1.600 căn nhà. Bản sắc văn hóa các dân tộc tiếp tục được bảo tồn và phát huy hiệu quả. Đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc của nhân dân tiếp tục được nâng lên. Quốc phòng - an ninh được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Hoạt động của bộ máy chính quyền có nhiều đổi mới; trật tự, kỷ cương hành chính được tăng cường; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên. Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số đạt kết quả tích cực.
Năm 2024 có chủ đề “Triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh, các chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh thực hiện ba khâu đột phá chiến lược, ưu tiên phát triển đồng bộ hạ tầng khu, cụm công nghiệp, tích cực thu hút đầu tư, chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; tăng tốc để cơ bản hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX” gắn với phương châm hành động “Kỷ cương, sáng tạo, đồng bộ, bứt phá, hiệu quả”, tỉnh Yên Bái đề ra 32 chỉ tiêu và 7 nhóm giải pháp để triển khai thực hiện, quyết tâm hoàn thành toàn diện.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã phân tích, làm rõ nguyên nhân của những tồn tại hạn chế, đồng thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành, của địa phương để thực hiện hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được giao.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn nhấn mạnh, với mục tiêu xuyên suốt đã xác định là “Kết thúc năm 2024, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh đã đề ra”, do đó, ngay sau Hội nghị, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến phát biểu để hoàn thiện, trình UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ, Chương trình hành động số 188 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh để làm cơ sở tổ chức thực hiện. Khẩn trương hoàn thiện các kịch bản tăng trưởng; kịch bản thu ngân sách; kịch bản giải ngân vốn đầu tư công. Trong quá trình thực hiện phải thường xuyên theo dõi, đánh giá tiến độ, kịp thời tham mưu điều chỉnh các kịch bản, các phương án đảm bảo linh hoạt, hiệu quả, phù hợp.
Các sở, ban, ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch chi tiết để tập trung triển khai ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, trong đó phải cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo từng tháng, từng quý và cả năm, gắn với trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân.
Cùng với đó, tập trung tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài và những vấn đề mới phát sinh; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện trên các lĩnh vực. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh cần nghiêm túc rút kinh nghiệm những tồn tại, hạn chế trong năm 2023; chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ năm 2024; trong đó đặc biệt quan tâm, khắc phục hạn chế trong công tác trao đổi, phối hợp giữa các đơn vị, địa phương…