Trong năm 2021, các địa phương trên phấn đấu mở rộng diện tích mặt nước nuôi thủy sản lên trên 10.500 ha, chủ yếu là tôm sú và tôm thẻ. Còn lại là các đối tượng có giá trị khác như: cua, cá chẽm,... sản lượng thu hoạch trên 50.000 tấn cung ứng tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.
Thực hiện mục tiêu chuyển đổi sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, các huyện ven biển Gò Công chú trọng phát huy tiềm năng nuôi thủy sản theo hướng hình thành các vùng chuyên canh tập trung mang tính hàng hóa lớn, đa dạng hóa các đối tượng nuôi và ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng thủy sản, cho năng suất, sản lượng cao và chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đơn cử như: huyện Gò Công Đông đã hình thành vùng nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ, chủ yếu là nghêu, sò huyết trên 2.000 ha gắn với phát triển du lịch sinh thái biển thu hút du khách, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động miền biển.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí cho biết, với bờ biển dài trên 20 km, tiềm năng nuôi thủy sản nước lợ, mặn của địa phương rất lớn. Huyện phát triển nuôi thủy sản theo hướng đa dạng hóa đối tượng nuôi và phương thức nuôi đáp ứng thị trường vừa giảm thiểu rủi ro cho nông dân. Gò Công Đông đã hình thành 2 vùng nuôi thủy sản mặn, lợ tập trung là Nam Gò Công và Bắc Gò Công.
Ngoài ra, khu vực ven biển xã Tân Thành không chỉ là vùng trọng điểm về nuôi nghêu mà còn có bãi của nghêu và sò huyết đẻ tự nhiên, chuyên cung ứng con giống phục vụ nhu cầu nuôi nhuyễn thể hai mãnh vỏ tại địa phương đã góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập cho nông dân nơi đây.
Các xã ven biển của huyện Tân Phú Đông như: Phú Đông, Phú Tân hiện đang đi theo hướng chuyên ngư, phát huy thế mạnh nuôi trồng thủy sản nhằm ổn định đời sống nhân dân, xây dựng nông thôn mới và thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai.
Tại đây, đang nhân rộng các mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, tôm – lúa, nuôi tôm thâm canh…góp phần giải quyết lao động, việc làm ở những địa bàn khó khăn nhất tỉnh Tiền Giang. Chỉ riêng xã Phú Tân, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến đã lên đến 2.500 ha, là vùng nguyên liệu quan trọng cung ứng nhu cầu ngành công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông Nguyễn Văn Hải, thực hiện mục tiêu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát huy tốt các tiềm năng đất đai, lao động, đặc biệt là tiềm năng nuôi thủy sản mặn, lợ hạ lưu sông Tiền, địa phương đã định hướng phát triển nuôi tôm công nghệ cao xuất khẩu tại xã Phú Thạnh, Phú Đông; xây dựng vùng nuôi 1 vụ tôm và 1 vụ lúa/ năm (tôm - lúa), nuôi tôm quảng canh cải tiến ở xã Phú Tân tiếp giáp với biển Đông đảm bảo hiệu quả kinh tế, thích ứng biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai.
Nuôi tôm theo mô hình quảng canh cải tiến tạo dựng nên cơ nghiệp bền vững ở hạ lưu sông Tiền có ông Đặng Văn Hà, cư ngụ tại ấp Cồn Cống, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông. Ông Hà cho biết, diện tích mặt nước thả nuôi của gia đình lên đến 13 ha.
Đồng thời, áp dụng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, hàng năm, đầu vụ sản xuất bà con đều được cán bộ kỹ thuật tập huấn, chuyển giao qui trình canh tác, biện pháp chủ động phòng trừ dịch bệnh, cách thức cải tạo ao đầm… Trung bình, mỗi năm, ông thu hoạch bán thu lãi ròng gần 1 tỷ đồng. Nhờ nuôi tôm quảng canh cải tiến, từ chỗ nghèo khó, ông Đặng Văn Hà đã trở thành triệu phú nông thôn.
Trong năm 2020 vừa qua, hai huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông đạt sản lượng nuôi thủy sản trên 46.000 tấn, trong đó có trên 16.000 tấn nghêu.