Xây dựng Văn Lâm thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn của Hưng Yên

"Văn Lâm sẽ được xây dựng thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn của tỉnh Hưng Yên, có vai trò quan trọng trong hệ thống các khu vực phát triển công nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng Bắc Bộ", ông Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, Bí thư Huyện ủy Văn Lâm đã khẳng định như vậy tại lễ công bố quyết định của Bộ Xây dựng công nhận đô thị trung tâm huyện Văn Lâm đạt chuẩn đô thị loại 4, diễn ra ngày 22/11.

Chú thích ảnh
Không gian đô thị huyện Văn Lâm. Ảnh: baohungyen.vn

Khai thác lợi thế đắc địa

Văn Lâm có vị trí tiếp giáp cửa ngõ Thủ đô Hà Nội; là huyện trọng điểm, đi đầu trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp của tỉnh. Nơi đây có nhiều tuyến đường quan trọng có ý nghĩa chiến lược của quốc gia và khu vực như tuyến Quốc lộ 5A, tỉnh lộ 385, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng.

Đây là các tuyến giao thông huyết mạch nối liền khu vực với các tỉnh, thành phố: Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, gần cảng biển miền Bắc, cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Với vị trí đắc địa, Văn Lâm là địa bàn giao thương thuận lợi với các trọng điểm vùng. Trên địa bàn đã có 1 bến ô tô cấp vùng liên huyện tại thị trấn Như Quỳnh và ga đường sắt tại xã Lạc Đạo, góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy giao thương với các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Đô thị Văn Lâm có kết nối lan tỏa phát triển từ phía Thủ đô Hà Nội, là một trung tâm phát triển công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng thủ đô. Cùng với Quốc lộ 5A và đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, nơi đây được ảnh hưởng tích cực bởi các hành lang kinh tế - kỹ thuật - đô thị quan trọng của vùng Bắc bộ là cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường vành đai 4 Hà Nội.

Đối với tỉnh Hưng Yên, đô thị là một cực trong tam giác phát triển công nghiệp, dịch vụ phía Bắc của tỉnh Hưng Yên (Như Quỳnh - Văn Giang - Phố Nối); là một trung tâm công nghiệp, dịch vụ của tỉnh và của vùng các huyện Văn Lâm, Văn Giang.  

Ngoài ra đô thị Văn Lâm còn có mối quan hệ mật thiết với các trung tâm phát triển lân cận khác như: tỉnh Bắc Ninh, các huyện phía Tây của tỉnh Hải Dương, huyện Gia Lâm, Đông Anh (Hà Nội) với cự ly là 15 - 30km. Mối quan hệ chủ yếu về kinh tế dịch vụ, tiểu thủ công nghiêp và tiêu thụ nông phẩm, trong đó Văn Lâm là nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh phụ trợ và xúc tiến thương mại cho các địa phương trên (sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh thiết bị công nghiệp, phương tiện giao thông, hàng TTCN...).
 
Sức bật cho chặng mới

 Khu vực phát triển đô thị trung tâm huyện Văn Lâm bao gồm thị trấn Như Quỳnh và 5 xã dọc theo Quốc lộ 5A gồm: Tân Quang, Đình Dù, Trưng Trắc, Lạc Hồng, Lạc Đạo với tổng diện tích tự nhiên là hơn 3.600 ha. Là khu vực cửa ngõ phía tây bắc của tỉnh Hưng Yên; trong đô thị lõi của vùng thủ đô Hà Nội, cách thành phố Hưng Yên 46 km, cách Hà Nội  20 km, cách Hải Phòng 87 km, cách thành phố Hải Dương 40 km, cách thành phố Bắc Ninh 35 km.

Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm, Nguyễn Bật Khánh chia sẻ, huyện ưu tiên nguồn lực phát triển đô thị và công nghiệp gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng hiện đại, dịch vụ đa dạng, hệ thống giao thông kết nối đồng bộ; hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp đã được quy hoạch.

Đến nay, công nghiệp trên địa bàn đang phát triển mạnh mẽ, thu hút 3 khu công nghiệp lớn với tổng diện tích hơn 1.000 ha gồm: Như Quỳnh, Tân Quang và khu công nghiệp tập trung Phố Nối A. Cùng đó, hình thành 10 cụm công nghiệp thuộc thị trấn Như Quỳnh và các xã Đình Dù, Lạc Đạo, Chỉ Đạo, Minh Hải, Đại Đồng.

Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 1.600 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, trong đó có hơn 1.300 doanh nghiệp đang hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 58.000 lao động. Tổng giá trị năm 2020 ước đạt gần 100 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 80% trong cơ cấu kinh tế.

Đến nay, Văn Lâm đã được công nhận là huyện nông thôn mới, có 3 xã được công nhận đạt đô thị loại V. Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,5%. Về cơ cấu kinh tế tỷ trọng công nghiệp - xây dựng hơn 80%, thương mại - dịch vụ 16%, nông nghiệp - thủy sản gần 4%. Thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức bình quân cả nước. Riêng năm 2019 tổng thu ngân sách ước đạt trên 2.600 tỷ đồng trong đó thu ngân sách huyện Văn Lâm quản lý thực hiện đạt hơn 500 tỷ đồng.

Văn Lâm đang đẩy nhanh việc hình thành và đầu tư xây dựng các khu đô thị và 15 dự án phát triển đô thị quy mô hơn 250 ha như: Tổ hợp Trung tâm thương mại và Nhà phố tại thị trấn Như Quỳnh (Vincom), Khu đô thị Đại An, khu nhà ở và dịch vụ đô thị công nghiệp Như Quỳnh, khu dân cư mới Ngọc Đà, khu nhà ở Vic - Trọng Nhân, khu dân cư Trưng Trắc - Đình Dù, khu chợ và nhà ở thương mại Như Quỳnh Center… Định hướng phát triển các khu đô thị mới phía Bắc Như Quỳnh, phía Đông Nam Như Quỳnh, khu đô thị dịch vụ đô thị công nghiệp Minh Hải, khu đô thị sinh thái Việt Hưng.

Với mục tiêu toàn huyện đạt đô thị hóa với tỷ lệ 72% vào năm 2025, Văn Lâm phấn đấu là trung tâm cấp tỉnh về công nghiệp - dịch vụ, đầu mối giao thông trọng điểm; hình thành một đô thị công nghiệp, dịch vụ, khoa học kỹ thuật phát triển bền vững, làm động lực phát triển cho toàn huyện và khu vực phía Bắc tỉnh Hưng Yên.

Mai Ngoan (TTXVN)
Xây dựng Đà Nẵng là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung-Tây Nguyên
Xây dựng Đà Nẵng là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung-Tây Nguyên

Sau 3 ngày làm việc tích cực (từ ngày 20-22/10), chiều 22/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã thành công tốt đẹp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN