Tại Bình Phước, tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, cây mai vàng không chỉ là cây cảnh, mà còn là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Tuy nhiên, việc phát triển cây mai vàng tại Bình Phước hiện nay vẫn đang gặp phải nhiều thách thức, đòi hỏi những giải pháp hợp lý để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành này.
Làm giàu từ cây mai
Từ trước năm 2013, gia đình ông Lê Văn Huy (phường Thành Tâm, thị xã Chơn Thành) có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, làm đủ thứ nghề, nhưng cái nghèo vẫn đeo đuổi. Khi làm nghề chở thuê cây kiểng, ông thấy nghề làm cây kiểng dễ kiếm tiền và có thể đổi đời. Được tin Hội Sinh vật cảnh huyện mở lớp “Kỹ thuật trồng, chăm sóc và tạo dáng cây cảnh”, ông đã đăng ký đi học và nắm được kỹ thuật trồng, chăm sóc và xử lý mai nở hoa. Vì vậy, năm 2015 gia đình đã gom góp mua 7,5ha đất và vay ngân hàng 200 triệu đồng đầu tư vào trồng mai vàng.
Ông Lê Văn Huy cho biết, do mới bước vào sản xuất, kinh doanh mai vàng còn bỡ ngỡ và vốn liếng còn hạn hẹp, ông đi tìm mua mai trong vườn nhà của bà con trong huyện và dần mở rộng ra cả tỉnh, nghe nơi nào có là tìm đến mua, khi đó giá còn thấp, ông mua về chăm sóc một thời gian, khi có lời lại bán và lại mua thêm. Cứ tiếp tục xoay vòng như vậy sau 2 năm, ông đã có khoản lời khá. Lấy ngắn nuôi dài, ông Huy đã mua cả vườn mai 70 cây của 1 hộ dân với giá 40 triệu đồng về trồng trong đất nhà để chăm sóc lâu dài; đồng thời vẫn mua mai lớn về chăm sóc, uốn sửa và bán trong dịp tết, hoặc bạn bè, ai mua thì bán.
Từ năm 2018 đến nay, ông Huy thường bán mai tại nhà, không phải đem ra chợ bán. Lô mai ông mua 40 triệu, về trồng sau 4 năm, chỉ bán 2 cây đã đủ vốn. Năm 2020, nhờ có nhiều mối quen biết nên, nên ông Huy đã bán gần hết số mai hiện có. Cũng từ năm 2018 đến năm 2020, doanh thu của gia đình ông năm nào cũng đạt trên 1 tỷ, lợi nhuận thu về thường đạt trên 40% – 50%, thậm chí cao hơn. Nhiều năm chưa đến tết nguyên đán, ông Huy đã bán được hơn 1 tỷ và kết thúc năm âm lịch, doanh thu từ bán mai trên 2 tỷ đồng.
Với những kết quả trồng và kinh doanh mai vàng đã đạt được, ông Huy quyết định mở rộng quy mô trồng với số lượng cây (chậu) mai lớn hơn với diện tích đất chuyên canh mai lên 1,5ha, tổng số gốc mai trong vườn lên 1.500 gốc. Cuối năm 2022 và đầu năm 2023 ông Huy đã bán được 300 gốc mai, được gần 1,5 tỷ, lãi thu về chừng trên dưới 50%. Năm 2024, do thị trường mai tết chậm lại, doanh thu chỉ được 600 triệu đồng. Hiện vườn mai ông còn 1.100 gốc, theo giá hiện nay khoảng 5 – 6 tỷ đồng.
Tương tự ông Lê Văn Huy, bà Phạm Thị Thùy Linh (ấp 7, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh) có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Sau nhiều năm trồng cây tiêu, do giá tiêu xuống thấp, lại chết vì bệnh, nên xong mùa sau khi trừ chi phí tiền công, phân bón gia đình bà không có lợi nhuận. Do đó, năm 2018, bà Linh đã mạnh dạn đầu tư mua 300 cây mai từ Bình Lợi, giá 200.000/gốc, về lên chậu chăm sóc. Mùa tết đầu tiên bà bán được khoảng hơn 500 triệu, số lượng mai còn lại chỉ vài chục gốc, thu lãi lớn khoảng hơn 300 triệu, lợi nhuận cao gấp 3 lần giá thành.
Theo bà Phạm Thị Thùy Linh, thấy hiệu quả trồng mai đem lại lợi nhuận cao, nên mỗi năm bà lại mua thêm hàng ngàn gốc mai về lên chậu chăm sóc và tết đến bố trí nhân lực, tìm nơi tiêu thụ ở Lộc Ninh, Bình Long, Chơn Thành, Bù Đốp, Phước Bình, Bà Rịa – Vũng Tàu… Từ đó, mỗi năm doanh số bán ra từ 1,2 – 1,3 tỷ, lợi nhuận giao động khoản 50 – 60%. Ngoài ra, hàng năm bà Linh còn cho thuê mai tết khoảng 40 – 50 cây mai lớn, giá thuê 3 – 4 triệu đồng/cây và 50 – 60 cây mai vừa, giá thuê 1 triệu đồng/cây. Hiện tại, vườn mai của gia đình bà Linh có khoảng 6.000 gốc; trong đó cây trên chậu hơn 1.000 gốc, giá trị hiện nay ước tính khoảng từ 3 đến trên 10 triệu/cây; còn lại trồng dưới đất gần 5.000 gốc.
“Việc thực hiện chuyển đổi cây tiêu kém hiệu quả sang trồng mai vàng, vừa thỏa mãn niềm đam mê, vừa đạt hiệu quả kinh tế cao trên đất Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh đã đem lại cho gia đình tôi nguồn thu nhập đáng kể”, bà Phạm Thị Thùy Linh chia sẻ.
Chủ tịch Hội Sinh vật Cảnh tỉnh Bình Phước ông Vũ Minh Đức cho biết, một số nhà vườn ở Bình Phước đã học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, từ đó phát triển mai vàng đem lại hiệu quả kinh tế cao như ông Phạm Ngọc Danh, Lê Văn Huy (thị xã Chơn Thành), Vương Ngọc Chành Tâm, Nguyễn Văn Vinh (huyện Phú Riềng), Nguyễn Thị Mỹ Linh (huyện Lộc Ninh), Nguyễn Văn Mắn (thành phố Đồng Xoài)… và nhiều hội viên và hộ gia đình trồng và kinh doanh mai vàng với quy mô nhỏ và vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, ông Lê Văn Huy đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ sản xuất, kinh doanh mai vàng, mỗi năm đem ra thị trường khoảng 200 – 300 cây mai, doanh thu bình quan khoảng 1,2 – 1,3 tỷ đồng.
Phát triển bền vững cây mai vàng Bình Phước
Ông Vũ Minh Đức, Chủ tịch Hội Sinh vật Cảnh tỉnh Bình Phước cho biết, Bình Phước có lợi thế về đất đai rộng, phù hợp cho các loại cây trồng; trong đó có cây mai vàng; có nguồn nước sông suối, ao hồ, nước ngầm phong phú, đáp ứng việc tưới tiêu; có nguồn lao động kỹ thuật cao được Hội Sinh vật cảnh tỉnh phối hợp đào tạo; có thị trường tiềm năng, mỗi năm cần trên 200.000 sản phẩm (chậu mai) trong dịp tết nguyên đán.
“Nếu chỉ tính bình quân 2 triệu/cây thì giá trị lên đến trên 400 tỷ đồng và từng năm giá trị tăng dần từ 20 – 30%. Nhưng hiện nay nguồn sản phẩm mai vàng trong tỉnh chỉ chiếm khoản 20%, phần còn lại phải nhập từ địa phương khác. Hơn nữa, mai vàng là loại cây trồng đem lại giá trị về kinh tế rất cao, theo tính toán, 1ha mai trồng từ cây con, sau 5 năm sẽ cho thu nhập 1 tỷ đồng, nếu đầu tư cây mai lớn sau 1 năm cho thu nhập từ trên 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đầu tư sản xuất, kinh doanh cây mai vàng còn giải quyết được nhiều lao động trong nông thôn, góp phần xóa nghèo, vươn lên làm giàu cho người lao động trực tiếp sản xuất – kinh doanh mai vàng, góp phần vào nền kinh tế tỉnh nhà”, ông Vũ Minh Đức khẳng định.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Giang nhấn mạnh, để cây mai vàng trở thành một ngành sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững tại Bình Phước, cần có sự đồng hành của chính quyền tỉnh với các hộ nông dân thông qua những cơ chế, chính sách hỗ trợ rõ ràng và hiệu quả. Việc phát triển các mô hình liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng giống, cải thiện công nghệ sản xuất, hỗ trợ tài chính và bảo vệ môi trường sẽ giúp ngành sản xuất mai vàng tại Bình Phước đạt được sự phát triển ổn định và bền vững, nâng cao đời sống cho người dân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Đặc biệt, chính quyền tỉnh cần hỗ trợ người trồng mai xây dựng thương hiệu “Mai vàng Bình Phước”, đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý để gia tăng giá trị và khẳng định thương hiệu mai vàng của tỉnh trên thị trường. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức xuất khẩu tạo cầu nối để đưa mai vàng Bình Phước ra thế giới, nhất là trong những dịp Tết Nguyên đán, khi nhu cầu tiêu thụ mai vàng tại các quốc gia có cộng đồng người Việt lớn rất cao.
Đồng quan điểm, theo Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước Lê Hữu Hòa, để thương hiệu “Mai vàng Bình Phước” phát huy được giá trị cần có thời gian dài, đòi hỏi nỗ lực phấn đấu của người trồng mai và Hội Sinh vật cảnh các cấp trong sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm. Sự hỗ trợ của các ngành chức năng trong tổ chức quản lý, quảng bá sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ… sẽ giúp thương hiệu “Mai vàng Bình Phước” mới có chỗ đứng trên thị trường.
Ông Lê Thúc Long, Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước đề xuất tăng cường các chương trình đào tạo về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mai vàng cho nông dân, đặc biệt là những kiến thức về chăm sóc cây mai vàng trong từng giai đoạn sinh trưởng, việc đào tạo kỹ thuật canh tác hữu cơ, sử dụng phân bón đúng cách, và phòng ngừa sâu bệnh sẽ giúp cải thiện chất lượng cây trồng.
Nông dân áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất mai vàng như hệ thống tưới nhỏ giọt, sử dụng phân bón hữu cơ, và các phương pháp canh tác thông minh để nâng cao hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu và phát triển giống cây mai vàng phù hợp với điều kiện khí hậu và đất đai của Bình Phước để đảm bảo năng suất và chất lượng.
Ngoài ra, Hội Nông dân và các sở, ngành có liên quan phải có sự phối hợp xây dựng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác trồng mai vàng để tạo sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học, giúp nông dân ổn định đầu ra, kiểm soát chất lượng, và nâng cao thu nhập. Đồng thời, hỗ trợ các nông dân trong việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm mai vàng nhằm nâng cao giá trị thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ.