Đầu tháng 11/2022, những cánh đồng phía Tân Phước trong vùng Đồng Tháp Mười hay khu vực Cái Bè, Cai Lậy giáp ranh với các huyện Tân Thạnh (Long An), Tháp Mười (Đồng Tháp) mênh mông nước, kéo dài xa tít đến tận chân trời. Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa (Tân Phước, Tiền Giang) Trương Văn Xinh cho biết, mức nước lũ trên đồng tại đây cao hơn khoảng 0,5 m so với mức nước trong mùa lũ năm trước.
Chủ động chung sống với lũ
Thạnh Hòa (Tân Phước) là xã nằm trong vùng trũng Đồng Tháp Mười của tỉnh Tiền Giang. Hàng năm, lũ lụt tuy có ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống ít nhiều nhưng cũng mang lại những cơ hội làm ăn có một không hai cho bà con địa phương.
Theo Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa Trương Văn Xinh, xã có thế mạnh về nông nghiệp, mùa lũ về mang theo nguồn phù sa bồi bổ đất đai thêm màu mỡ, thêm nguồn lợi tôm cá đồng cải thiện cuộc sống.
Tùy theo điều kiện và khả năng, nông dân phát triển những mô hình sản xuất theo chủ trương “chung sống với lũ” vừa tạo công ăn việc làm, thu nhập vừa giúp an cư lạc nghiệp. Thời điểm nước từ thượng nguồn tràn về, nguồn cung rau màu ít, giá tăng mạnh nên trồng rau màu thực phẩm, trồng sen trên đồng nước, nuôi thủy sản… là một trong những hướng sinh kế phù hợp và hiệu quả vào mùa nước lũ mà nông dân địa phương thường chọn áp dụng.
Chị Phan Thị Thanh Nhung, canh tác 1,5 ha sen lấy ngó tại ấp Hòa Xuân, xã Thạnh Hòa cho biết, nhiều năm nay, chị áp dụng mô hình lúa + sen giải quyết sinh kế gia đình. Trong vụ Đông Xuân chị trồng lúa, thời điểm còn lại trong năm chuyển sang trồng sen lấy ngó. Là loại thực vật đặc hữu của vùng Đồng Tháp Mười, sen dễ trồng, ít chi phí và mang lại hiệu quả cao.
Theo đó, cứ thu hoạch lúa Đông Xuân xong chị làm đất, xuống giống sen với mật độ 150 cây giống/ ha. Sau hai tháng tuổi sen sẽ cho thu hoạch ngó. Ngó sen thu hoạch hàng ngày và kéo dài trong suốt 5 - 6 tháng. Nước rút, chị cải tạo đất để sản xuất vụ lúa Đông Xuân mới.
Với 1,5 ha sen, trung bình mỗi ngày, chị thu hoạch khoảng 100 kg ngó, bán thu từ 2 đến 3 triệu đồng. Còn tính chung, mỗi ha trồng sen trong mùa lũ, gia đình chị thu khoảng 120 triệu đồng, trừ chi phí, còn lãi ròng 70 - 80 triệu đồng. Nhờ mô hình trồng sen mùa nước lũ, gia đình chị Nhung có thu nhập ổn định, cuộc sống ngày càng khấm khá, an cư lạc nghiệp, không còn đau đáu nỗi lo mưa dầm, nước nổi như trước đây.
Lãnh đạo xã cho biết, trong mùa lũ năm nay, Thạnh Hòa trồng khoảng 150 ha rau màu gồm: sen, dưa hấu, các loại rau màu thực phẩm có giá trị kinh tế khác; trong đó, dưa hấu chiếm ưu thế với hàng trăm ha, tiếp đến là sen với gần 30 ha, còn lại là rau màu khác.
Qua rồi giai đoạn bị động do thiên tai, lũ lụt ở những năm của thế kỷ trước, nhờ chủ động phát triển những mô hình làm ăn “chung sống với lũ”, Thạnh Hòa đã trở thành một trong những nơi sản xuất nông sản hàng hóa lớn ở vùng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang). Ước tính, sản lượng rau màu trong mùa lũ cung ứng cho thị trường trong ngoài địa phương lên đến 2.400 tấn, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động nông nhàn.
Thạnh Hòa cũng là xã đầu tiên trong vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Tiền Giang ra mắt xã nông thôn mới năm 2017, xã nông thôn mới nâng cao năm 2020 và đang thẳng tiến đến mục tiêu xã nông thôn mới kiểu mẫu trước năm 2025.
Phát triền mạnh nghề nuôi thủy sản nước ngọt đang là một hướng đi khả thi của nông dân vùng ngập lũ phía Tây Bắc huyện Cai Lậy. Điển hình có ông Hà Văn Lợi, cư ngụ tại xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy. Gia đình ông có 2.500 m2 đất canh tác trước đây trổng mỗi năm 2 vụ lúa, thu nhập không cao. Những năm gần đây, lũ lụt không về, thiếu phù sa bồi bổ, đất đai bạc màu, đầu tư sản xuất chi phí cao nhưng lợi nhuận rất thấp.
Trong nỗ lực tìm lối ra cho kinh tế gia đình theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, ông Lợi chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi và cung ứng cá cảnh cho thị trường. Tính bình quân, mỗi ngày ông thu nhập trên dưới 1 triệu đồng tiền bán cá cảnh. Vị chi mỗi năm, trừ chi phí, ông còn lãi ròng trên 350 triệu đồng từ mô hình chuyển đổi hiệu quả trên vùng ngập lũ, cao gấp chục lần so với trồng lúa năng suất cao trước đây.
Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thành Nam Nguyễn Văn Giang đánh giá cao mô hình chuyển đổi sản xuất hiệu quả của ông Hà Văn Lợi. Ông Giang cho biết, học tập theo cách làm của ông Hà Văn Lợi, tại Mỹ Thành Nam có hàng chục hộ nông dân đang áp dụng mô hình chuyên sản xuất cá cảnh cung ứng thị trường, nhiều nhất tại ấp 9A. Hội nông dân xã Mỹ Thành Nam đang xúc tiến thành lập câu lạc bộ sản xuất cá cảnh nhằm quy tụ nông dân, chia sẻ kinh nghiệm và phát huy mô hình mới, hiệu quả trên địa bàn ngập lũ tại địa phương.
Chuyển đổi cây trồng
Mỹ Lợi B (huyện Cái Bè) là xã nằm đầu nguồn sông Tiền của tỉnh Tiền Giang, giáp với huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp). Trong những năm qua, trước tình hình nước lũ nhiều năm không về, thiếu phù sa bồi bổ đất đai trong khi biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường, trồng lúa đối mặt nhiều thách thức, rủi ro, nông dân địa phương chú trọng chuyển đổi những địa bàn khó khăn sang lập vườn trồng cây ăn quả đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm được thiên tai.
Ông Lê Văn Vinh, cư ngụ tại ấp Lợi Nhơn, xã Mỹ Lợi B chuyển đổi 1,5 ha đất lúa sang lập vườn trồng cây ăn quả đặc sản, chủ yếu sầu riêng, nhãn, cam, quít mang lại hiệu quà vượt trội; trong đó, có 8.000 m2 trồng xen canh cam, nhãn và mít Thái siêu sớm. Khu vườn đang cho thu hoạch với lợi nhuận bình quân hàng năm từ 80 đến 100 triệu đồng. Còn 7.000 m2 sầu riêng chuyên canh mới trồng khoảng 3 năm tuổi, đang phát triển. Dự kiến sẽ cho thu hoạch ổn định trong vài năm tới.
Chủ tịch UBND xã Mỹ Lợi B Trần Nhựt Khoa cho biết, thực hiện mục tiêu chuyển đổi sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu, Mỹ Lợi B đã mở rộng diện tích vườn cây ăn quả đặc sản lên trên 1.000 ha; trong đó, chủ lực là sầu riêng 450 ha, mít 500 ha, còn lại là cây trồng khác, trở thành một trong những vùng trọng điểm về trồng cây ăn quả đặc sản ở vùng đầu nguồn tỉnh Tiền Giang hiện nay.
Để ngăn lũ và triều cường, bảo vệ các vùng sản xuất chuyên canh của địa phương, ngay từ trước mùa lũ 2022, Mỹ Lợi B đã đầu tư kiện toàn 4 tuyến đê bao tổng chiều dài trên 2.200 m, gia cố hàng chục cống đập lớn nhỏ. Nhờ vậy, các khu vườn vẫn đảm bảo an toàn, không bị ảnh hưởng bởi triều cường và nước lũ trong thời gian qua.
Ghi nhận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, thực hiện mục tiêu chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng “chung sống với lũ”, nông dân các huyện vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy, Tân Phước đã chuyển hàng chục ngàn ha đất trồng lúa địa bàn khó khăn sang lập vườn trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản hoặc xây dựng các mô hình kinh tế tổng hợp VAC…Tùy theo từng địa bàn, bà con chọn những mô hình mới, cách làm hay, phù hợp thực tế và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, giúp nông dân an cư lạc nghiệp, đổi mới nông nghiệp – nông thôn và xây dựng nông thôn mới thành công.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, cùng với nhân rộng những mô hình làm ăn hiệu quả như: lúa + sen, lúa + cá, nuôi thủy sản trong mùa lũ, lập vườn trồng cây ăn quả đặc sản,…ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực hỗ trợ nông dân về các mặt như quy hoạch vùng sản xuất, tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thâm canh gắn với tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế hợp tác và tăng cường xúc tiến thương mại cho nông sản chủ lực.
Đặc biệt, nắm bắt cơ hội trái cây Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và các thị trường khó tính trên khắp thế giới, Tiền Giang đẩy mạnh việc lập hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng cho trái cây đặc sản, mã số đóng gói cho các cơ sở thu mua trái cây…nhằm tháo điểm nghẽn trong xuất khẩu trái cây, tạo điều kiện để nông dân an tâm đẩy mạnh sản xuất nông sản hàng hóa tham gia thị trường vì sự phồn vinh của quê hương.