Đầu tư 26 tỷ đồng chống hạn mặn tại vùng hạ lưu sông Tiền

Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Nguyễn Quốc Khánh cho biết, trước tình hình hạn mặn diễn biến phức tạp, huyện cù lao Tân Phú Đông nằm ở hạ lưu sông Tiền, tỉnh Tiền Giang đầu tư trên 26 tỷ đồng làm thủy lợi phòng chống hạn mặn, bảo vệ sản xuất và đời sống của người dân.

Chú thích ảnh
Đắp đập ngăn mặn trên cù lao Tân Phong (Bến Tre). 

Nguồn kinh phí được dùng để nạo vét 8 tuyến kênh mương trữ ngọt có tổng chiều dài gần 3.000 m, khối lượng đất đào đắp 173.500 m3, làm 3 cống ngăn mặn trên địa bàn các xã Tân Thới và Phú Đông. Số tiền này đồng thời nâng cấp 3 tuyến đê bao kết hợp phát triển giao thông nông thôn… bảo vệ cho gần 5.560 ha đất sản xuất; trong đó có vùng chuyên canh 2.950 ha vườn dừa, trên 1.250 ha vườn cây ăn trái, khoảng 1.900 ha sả và một số diện tích cây trồng khác.

Là huyện cù lao nằm ở hạ lưu sông Tiền, kẹp giữa hai cửa sông lớn Cửa Tiểu và Cửa Đại, Tân Phú Đông luôn phải đối mặt với hạn mặn gay gắt vào mùa khô hàng năm. Mùa khô hạn 2020, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt, phức tạp. Hiện Tân Phú Đông đã bị mặn bao vây, cô lập bốn phía.

Trước tình hình trên, địa phương tập trung kiện toàn đê bao, cống đập ngăn mặn bảo vệ các vùng sản xuất tập trung; đồng thời huy động nguồn vốn ra quân kiện toàn mạng lưới kênh mương, thủy lợi nhằm trữ ngọt phục vụ tưới tiêu trong nội đồng; đảm bảo sản xuất và giảm thiệt hại cho cây trồng, tạo thuận lợi để chuyển đổi cây trồng vật nuôi thích hợp điều kiện sản xuất khó khăn.

Bên cạnh đó, Tân Phú Đông khuyến khích nông dân chuyển đổi sản xuất theo các mô hình thích ứng biến đổi khí hậu với trọng tâm là mở rộng diện tích màu trên chân ruộng, nhân rộng mô hình trồng sả và hoa màu trên nền đất lúa tiết kiệm nước bơm tưới; chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản ở những địa bàn đặc biệt khó khăn hoặc định hình vùng sản xuất 1 vụ lúa + 1 vụ tôm ở khu vực ven biển… mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm, giảm bớt khó khăn cho nông dân vùng đất nhiễm mặn.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, nhờ chủ động kiện toàn mạng lưới thủy lợi phục vụ sản xuất kết hợp bố trí mùa vụ hợp lý, vừa qua, nông dân địa phương đã thu hoạch an toàn 100% diện tích lúa đã xuống giống trong vụ 2 với năng suất bình quân 43 tạ/ha; đồng thời, tranh thủ trồng được gần 150 ha rau màu, chủ yếu là cây sả trên chân ruộng.

Riêng các khu vực ven biển, ven đê không sản xuất được lúa và màu, nông dân đã cải tạo đưa trên 320 ha mặt nước ao đầm vào thả nuôi tôm sú, tôm thẻ phục vụ tiêu dùng, chế biến xuất khẩu.

Tin, ảnh: Minh Trí (TTXVN)
Từ 7 - 15/3, ĐBSCL có thể bị xâm nhập mặn cao nhất từ đầu mùa khô
Từ 7 - 15/3, ĐBSCL có thể bị xâm nhập mặn cao nhất từ đầu mùa khô

Theo Nông Bộ nghiệp và Phát triển nông thôn, dự báo của các cơ quan nghiên cứu khoa học thuộc Bộ cho thấy, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ ngày 7 - 15/3, xâm nhập mặn tăng cao theo kỳ triều cường giữa tháng 2 âm lịch, khả năng ở mức cao nhất từ đầu mùa khô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN