Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Vĩnh Long thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng qua ước đạt 18.934 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều chỉ tiêu chủ yếu đạt khá so với cùng kỳ năm 2022 như: Tổng vốn đầu tư phát triển 8.072 tỷ đồng, tăng 5,6%; tổng thu ngân sách nhà nước 3.176 tỷ đồng, đạt 55% dự toán; tổng lượt khách đến tỉnh ước đạt 650.000 lượt, tăng 54% và doanh thu du lịch ước đạt 405 tỷ đồng, tăng 2 lần so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung giải quyết việc làm mới cho 12.932 lao động, đạt 64,7% kế hoạch, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Ngoài ra, tỉnh có thêm 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt thấp so với chỉ tiêu Nghị quyết; một số sản phẩm nông nghiệp gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ; sản xuất công nghiệp, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, giảm so với cùng kỳ; tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn thấp so với kế hoạch; tỷ lệ nợ xấu tăng cao, vượt mức 3% so với quy định…
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm nhấn mạnh, HĐND tỉnh đã quyết định nhiều chủ trương, giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm để UBND tỉnh, các cấp, các ngành tiếp tục triển khai nhằm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Song song đó, các cấp các ngành cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thành quy hoạch tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch vùng huyện; quy hoạch bảo tồn lò gạch, gốm và quy hoạch bảo tàng nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long trình cấp thẩm quyền phê duyệt, nhằm khơi dậy tiềm năng, động lực để vượt qua khó khăn, thách thức, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo, có giải pháp thắt chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương tài chính, khắc phục tồn tại, hạn chế, yếu kém đã nêu trong các báo cáo và được đại biểu chỉ ra trên các lĩnh vực; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và tài sản công.
Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2023 của tỉnh Vĩnh Long xác định tập trung thực hiện đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp để hoàn thành toàn diện những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Theo đó, tỉnh tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực; thúc đẩy tiến độ triển khai các chương trình, dự án quan trọng, có tính lan tỏa tạo động lực phát triển của các ngành, lĩnh vực. Tỉnh thực hiện hiệu quả công tác quản lý giá những mặt hàng nhà nước quản lý giá, góp phần ổn định chỉ số giá tiêu dùng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp và hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng.
Đồng thời, tỉnh thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, nhất là các dự án, công trình thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các dự án ODA, với mục tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân 95% kế hoạch vốn năm 2023.