Tham luận tại hội nghị tập trung vào các chủ đề: Định hướng các chỉ tiêu, yếu tố cấu thành nhằm đưa ngành du lịch tỉnh Vĩnh Long trở thành ngành kinh tế quan trọng; Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, đòn bẩy cho phát triển du lịch Vĩnh Long; Giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch; Liên kết phát triển du lịch, nâng cao chuỗi giá trị để tạo động lực phát triển; Các giải pháp cấp thiết để đưa ngành du lịch Vĩnh Long thành ngành kinh tế quan trọng... Qua hội thảo, các đại biểu đánh giá tiềm năng, thực trạng và đề xuất các giải pháp xây dựng thương hiệu, các sản phẩm du lịch đặc sắc, chuỗi các sự kiện và các tour du lịch nội tỉnh, liên kết nhằm giúp du khách có trải nghiệm du lịch trọn vẹn khi đến với Vĩnh Long.
Phát biểu tham luận, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quyết Thắng - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Du lịch Việt Nam đã chỉ ra một số việc cần thực hiện để thúc đẩy du lịch Vĩnh Long phát triển thành ngành kinh tế quan trọng theo kế hoạch của địa phương. Theo đó, tỉnh cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch, nhất là tại cụm du lịch nhiều tiềm năng ở các xã cù lao An Bình, huyện Long Hộ; chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch, cần có chính sách đào tạo và phát triển nguồn cán bộ ngành du lịch cho lâu dài. Đặc biệt, tỉnh Vĩnh Long cần quan tâm đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, tìm được sản phẩm có nét đặc thù dựa trên lợi thế tài nguyên sẵn có; phát triển thêm các sản phẩm mới, sản phẩm bổ trợ nhằm tạo sự cộng hưởng, giữ chân du khách…
Chủ tịch danh dự Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ cho rằng, để đạt mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025 định hướng đến năm 2030, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho du lịch, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Với thế mạnh là du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, có sản phẩm du lịch homestay đã có lâu đời, tỉnh cần tập trung thành lập các trung tâm du lịch xanh, trung tâm du lịch homestay, đầu tư sản phẩm du lịch đặc trưng của riêng tỉnh để tạo sự khác biệt, thu hút so với các địa phương trong vùng. Song song đó, tỉnh cần có phương án quảng bá du lịch thông qua nhiều kênh, ứng dụng công nghệ thông tin để tăng khả năng tiếp cận và tìm kiếm các thị trường khách hàng. Tỉnh cũng cần tăng cường công tác xúc tiến, thu hút đầu tư để phát triển du lịch, phải xây dựng Vĩnh Long thành điểm đến "An toàn, thân thiện, hấp dẫn" với du khách.
Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, tỉnh sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, đề xuất của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp du lịch, xem đây là cơ sở để địa phương tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện Đề án cơ cấu lại ngành du lịch của tỉnh năm 2025, định hướng đến năm 2030 để sớm triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, triển vọng hiện có.
Để đưa du lịch phát triển trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cùng các ngành liên quan cần tập trung triển khai và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách, đề án, dự án trọng tâm về du lịch như: Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch của tỉnh; Đề án Di sản đương đại Mang Thít; Đề án Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù... Các ngành, các địa phương nghiên cứu phát triển du lịch về đêm phù hợp với tình hình đặc điểm của thị trường du lịch, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chú trọng phát triển du lịch xanh, du lịch trải nghiệm theo hướng phát triển bền vững. Các ngành đẩy mạnh truyền thông, quảng bá về du lịch thông qua nhiều hình thức, tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, vận hành hiệu quả cổng thông tin điện tử du lịch của tỉnh qua đó hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu dịch vụ du lịch, quảng bá điểm đến của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Long tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội, mời gọi đầu tư các dự án phát triển du lịch, đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch; đồng thời tích cực xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng kịp thời với sự phát triển của du lịch địa phương trong từng giai đoạn.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, hiện toàn tỉnh có 122 cơ sở lưu trú du lịch, 8 doanh nghiệp lữ hành, 8 khu điểm du lịch. Tỉnh đang tập trung khai thác các sản phẩm du lịch gồm du lịch sinh thái sông nước miệt vườn trải nghiệm homestay; du lịch gắn với nông nghiệp vườn sinh thái, tham quan vườn trái cây, trải nghiệm trồng lúa, hoa màu; du lịch trải nghiệm các làng nghề truyền thống; du lịch trải nghiệm văn hóa – tâm linh. Tỉnh có 7 dự án mời gọi đầu tư lĩnh vực du lịch với tổng vốn ước tính 6.540 tỷ đồng, tiêu biểu là Đề án Di sản đương đại Mang Thít, Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Cồn Giông, Cồn Chim; Khu đô thị nông nghiệp sinh thái An Bình...
Tổng lượng khách đến với du lịch Vĩnh Long tăng dần qua các năm, giai đoạn 2015-2019, số lượt khách tăng bình quân 11,6%/năm và doanh thu tăng bình quân 25,7%/năm. Năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng dịch COVID-19, lượng khách du lịch giảm đáng kể, chỉ đạt hơn 1 triệu lượt và doanh thu hơn 378 tỷ đồng.