Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020. Vào thời điểm đó, tỉnh Quảng Ngãi có 6 huyện miền núi thì cả 6 huyện đều là huyện nghèo với tỷ lệ hộ nghèo chiếm khoảng 40%. Do đó, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định việc thực hiện giảm nghèo là cần thiết, đặc biệt là ở các huyện miền núi. Từ những chính sách hỗ trợ của Trung ương, cũng như cách làm phù hợp của địa phương đã giúp cho tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm đáng kể.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ngãi đã được Trung ương đánh giá cao việc giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện miền núi. Trong nhiệm kỳ tới, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ nghèo bình quân ở miền núi từ 4 - 4,5%/năm, đồng bằng từ 0,4 - 0,6%/năm.
Để đạt mục tiêu này, các cấp chính quyền cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về đường lối, chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước nhằm giúp hộ nghèo tự lực phấn đấu vươn lên, không ỷ lại trông chờ vào Nhà nước; tích cực huy động doanh nghiệp đầu tư, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân ở các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa; chủ động đề xuất các chính sách, biện pháp đột phá để thực hiện có hiệu quả giảm nghèo, đi vào thực chất, tránh thành tích, bà Vân nhấn mạnh.
Thời gian qua, chính sách giảm nghèo ở tỉnh Quảng Ngãi được triển khai đầy đủ, kịp thời nên tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,82%. Đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 15,19% thì đến nay chỉ còn 6,17%.
Để giảm nghèo bền vững, Quảng Ngãi đã đổi mới cơ chế chính sách hỗ trợ như không hỗ trợ 100% vốn, cây con giống như trước mà bắt buộc các hộ nghèo phải tham gia đóng góp theo hình thức đối ứng. Từ đó, hộ nghèo không không còn ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên mà tích cực tăng gia sản xuất, tạo nguồn thu nhập ổn định, nhanh chóng thoát nghèo.
Chị Lê Thị Huệ, xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh cho biết, trước đây, chị là công nhân của một công ty trên địa bàn huyện. Đến năm 2016, chị lập gia đình và sau đó không lâu thì sinh đứa con đầu lòng. Sức khỏe yếu, chị phải nghỉ việc ở nhà trông con và làm nông. Chồng chị làm bảo vệ cho một doanh nghiệp, lương tháng chỉ khoảng 5 triệu đồng nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn.
Năm 2019, chị được hỗ trợ kinh phí để dựng ngôi nhà kiên cố thay thế căn nhà cũ của bố mẹ chồng xây dựng cách đây hàng chục năm đã dột nát, hư hỏng. Thu nhập của vợ chồng chị chỉ đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày chứ không dám nghĩ đến việc xây nhà.
Cùng với nguồn vốn vay 60 triệu đồng để xây lại căn nhà, chị Huệ còn 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua con bò lai sinh sản và đàn gà với mong muốn cải thiện thu nhập. Đầu năm 2020, bò đã sinh lứa đầu tiên. Chị bán bê được 26 triệu đồng và nuôi thêm được nhiều lứa gà thịt cung cấp ra thị trường. Mỗi đợt chị nuôi 3 tháng, sau khi trừ chi phí thu về từ 8 - 10 triệu đồng. Nhờ đó, hiện gia đình chị đã có thu nhập ổn định và thoát nghèo.
Tương tự, huyện Sơn Hà lại chọn cách phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gia tăng chuỗi giá trị, làm tiền đề xây dựng nông thôn mới. Bình quân mỗi năm, huyện huy động trên 10 tỷ đồng từ nguồn vốn các chương trình để hỗ trợ sản xuất trực tiếp cho người dân.
Nhiều loại cây trồng, vật nuôi mới được đưa vào sản xuất, chăn nuôi, góp phần tăng năng suất, trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị. Sơn Hà cũng là huyện miền núi đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi thoát khỏi huyện nghèo.
Ông Phùng Tô Long - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết, huyện đã thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để hỗ trợ và kết nối hộ dân nhằm cung cấp sản phẩm ra thị trường; đồng thời, xây dựng thương hiệu hàng hóa cho sản phẩm chất lượng tại địa phương như gà kiến, rau rừng, sản phẩm dược liệu.
Ngoài các chính sách của Trung ương, nhiệm kỳ qua, Quảng Ngãi cũng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù; điển hình là đề án Chính sách khuyến khích hộ nghèo tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị để tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững được nhiều hộ nghèo tích cực tham gia.
Dù chỉ mới triển khai năm 2018 đến nay nhưng đã có hơn 1.200 hộ nghèo tham gia đề án thoát nghèo. Anh Đinh Văn Théc, xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây cho biết, nhờ chịu khó trồng keo, nuôi lợn, bò, gà, lúc rảnh rỗi vợ nấu rượu, chồng đi phụ hồ nên gia đình có nguồn thu nhập ổn định và đến cuối năm 2019 đã thoát khỏi hộ nghèo.
Được vay vốn hộ nghèo mua bò, mua lợn để phát triển chăn nuôi lại thêm vườn keo ngày càng được mở rộng diện tích nên thu nhập mang lại cho gia đình anh Théc khá cao so với trước.
Kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Quảng Ngãi là hơn 2.257 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 1.868 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 335 tỷ đồng và hơn 52 tỷ đồng vốn huy động các nguồn khác.
Từ nguồn vốn này, tỉnh đã đầu tư xây dựng gần 1.000 công trình cơ sở hạ tầng cho các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; hỗ trợ hơn 930 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho hàng ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo miền núi giảm 5,25%, đồng bằng giảm 1,1%.