Quy hoạch xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Tuyên Quang là tỉnh phát triển khá, toàn diện, bao trùm và bền vững trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; kinh tế phát triển xanh và năng động, nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Không gian kinh tế - xã hội được tổ chức, phát triển hài hòa, hợp lý gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bảo đảm môi trường, sinh thái; xây dựng Tuyên Quang là tỉnh điển hình về phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất, chế biến gỗ của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Về mục tiêu kinh tế, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng GRDP bình quân cả thời kỳ đạt trên 9,5%; cơ cấu kinh tế với ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 42,8%, ngành dịch vụ chiếm 40,8%, ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 13,2%; GRDP bình quân đầu người đạt trên 130 triệu đồng/người vào năm 2030; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 10.000 tỷ đồng vào năm 2030; 100% số xã hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới...
Định hướng đến năm 2050, Tuyên Quang là tỉnh phát triển, thu nhập cao của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, có môi trường xã hội văn minh, hiện đại, sáng tạo, dân chủ. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển xanh, công nghiệp sinh thái, thông minh; dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; hệ thống đô thị thông minh, xanh và bền vững. Di tích, di sản văn hóa, lịch sử được bảo tồn, phát huy. Người dân có cuộc sống tốt, mức sống cao. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Theo định hướng, Tuyên Quang tập trung phát triển ba trụ cột kinh tế gồm công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng theo định hướng kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản và kinh tế lâm nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới…
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tỉnh cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của Quy hoạch tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả trong thực hiện. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm Luật Quy hoạch, hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch; đồng thời sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các công trình kết cấu hạ tầng có tính lan tỏa lớn.
Tỉnh tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo, đưa Tuyên Quang trở thành trung tâm vùng về công nghiệp chế biến lâm sản, sản xuất đồ gỗ, giấy và trở thành vệ tinh của vùng về chuỗi liên kết sản xuất điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng phát triển một số diện tích sản xuất, khai thác cây gỗ lớn, tiến tới phát triển Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất, chế biến gỗ của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; xây dựng, hoàn thiện tiêu chí, trình cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận Khu du lịch Tân Trào trở thành khu du lịch quốc gia, trở thành trung tâm giáo dục lịch sử cách mạng gắn với phát triển du lịch cả nước. Tuyên Quang cũng tiếp tục đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, lấy chính quyền số làm động lực để phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đưa ra các giải pháp thực hiện Quy hoạch một cách đồng bộ, hiệu quả.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn khẳng định, Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò đặc biệt đối với sự phát triển của tỉnh. Các cấp chính quyền cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung của quy hoạch tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả trong thực hiện quy hoạch. Các cấp, các ngành, địa phương tập trung nghiên cứu để triển khai thực hiện các giải pháp về huy động vốn đầu tư; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ; giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển; giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản, nhất là các tài nguyên không tái tạo; chú trọng bảo vệ môi trường khi triển khai các dự án, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, góp phần phát triển bền vững...