TP Hồ Chí Minh thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

Các chính sách, giải pháp được triển khai đồng bộ trên địa bàn Thành phố đã góp phần làm thay đổi căn bản đời sống kinh tế của đồng bào các dân tộc.

Tính đến năm 2022, TP Hồ Chí Minh có 53 dân tộc thiểu số sinh sống, gồm 103.092 hộ với 453.317 nhân khẩu, chiếm khoảng hơn 5% dân số toàn Thành phố.

Triển khai Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới và Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện sáng tạo, hiệu quả các chương trình, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc.

Qua đó góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như không ngừng nâng cao đời sống, phát triển văn hóa của đồng bào dân tộc tại Thành phố trong thời kỳ hội nhập.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh chụp hình kỷ niệm cùng các đại biểu dân tộc thiểu số tiêu biểu. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

TP Hồ Chí Minh đã vận dụng những chính sách của Trung ương và căn cứ tình hình thực tế của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn để đưa ra nhiều chủ trương, chính sách đặc thù, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhằm ổn định và phát triển toàn diện cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thành phố khuyến khích các gia đình người dân tộc thiểu số xem trọng đầu tư giáo dục văn hóa cho con em, đẩy mạnh xã hội hóa công tác khuyến tài, trao tặng học bổng cho học sinh sinh viên học giỏi, tạo điều kiện cho con em người dân tộc yên tâm đến trường, trau dồi kiến thức để trở thành trụ cột gia đình và cộng đồng. 

Các chính sách, giải pháp được triển khai đồng bộ trên địa bàn Thành phố đã góp phần làm thay đổi căn bản đời sống kinh tế của đồng bào các dân tộc. Công tác giảm nghèo đã góp phần tạo việc làm, giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số. Các điều kiện đảm bảo cuộc sống như sử dụng nhà ở, y tế, giáo dục, sử dụng nước sạch, học tập...được cải thiện đáng kể giúp đưa mức sống cư dân dần ổn định và không ngừng được nâng cao. 

Các chính sách dân tộc đặc thù trên địa bàn Thành phố tập trung vào các lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội; hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề; gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào người dân tộc. Chính sách hỗ trợ giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc đã giúp người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo ngày càng có nhận thức đúng đắn, từng bước thay đổi cơ bản về nếp nghĩ, loại bỏ dần tư tưởng an phận, trông chờ, ỷ lại; biết tổ chức cuộc sống, xem trọng việc nâng cao trình độ học vấn, học nghề, tìm kiếm việc làm…

Trong năm 2022, Thành phố đã thực hiện chính sách miễn học phí cho 3.000 học sinh dân tộc Chăm, Khmer với kinh phí trên 2 tỷ đồng, hỗ trợ 50 giáo viên trên 500 triệu đồng… Đặc biệt, Thành phố hỗ trợ cho gần 1.000 đồng bào dân tộc thiểu số vay hơn 1,7 tỷ đồng để sửa chữa nhà cửa, sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập.

Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và các tổ chức thành viên, nhà tài trợ đã tổ chức thăm hỏi, chúc mừng, tặng quà, tặng học bổng, trao tặng sinh kế nhân dịp lễ, tết truyền thống của các dân tộc đang cư trú trên địa bàn với tổng số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. 

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Chánh Văn phòng Ban Dân tộc Thành phố, với mục tiêu không để ai ở lại phía sau, thu hẹp khoảng cách giữa dân tộc thiểu số với mức sống chung của người dân Thành phố, TP Hồ Chí Minh đã triển khai Chương trình giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023.

Các mục tiêu cụ thể của chương trình là phấn đấu giảm 1,5% tỷ lệ hộ nghèo và 2% hộ cận nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số theo chuẩn nghèo đa chiều của Thành phố; đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo dân tộc thiểu số có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số được hỗ trợ các chiều thiếu hụt cơ bản về y tế, giáo dục, đào tào, việc làm, điều kiện sống, thu nhập…

Thành phố cũng hướng tới mục tiêu nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số, góp phần tạo nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số.

PV
Bảo tồn giá trị văn hoá dân gian truyền thống của các dân tộc thiểu số
Bảo tồn giá trị văn hoá dân gian truyền thống của các dân tộc thiểu số

Triển khai Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, tỉnh Hậu Giang tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số.  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN