Kỳ Sơn là huyện miền núi cao biên giới, nằm ở phía tây tỉnh Nghệ An. Trong những năm qua, để vùng cao Kỳ Sơn có điều kiện phát triển về kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện các chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước dành cho miền núi như Chương trình 134,135, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; trọng tâm là thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư TW Đảng ban hành ngày 22/11/2014 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” (Chị thị 40).
Phó Chủ tịch UBND huyện - Trưởng ban đại diện HĐQT Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Kỳ Sơn, bà Vi Thị Quyên, cho biết: Từ năm đầu tiên thực hiện Chỉ thị đến nay, các cấp ủy Đảng trên địa bàn luôn quan tâm, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động tín dụng chính sách. Cùng với đó, chính quyền từ huyện đến xã đã ưu tiên bổ sung nguồn vốn ngân sách chuyển sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Suốt 10 năm qua, nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn đã thực sự tiếp thêm năng lực và hiệu quả hoạt động cho NHCSXH huyện Kỳ Sơn. Cụ thể, đến ngày 30/4/2024, số vốn ngân sách trực thuộc đã chuyển sang NHCSXH là 2.751 triệu đồng, góp phần nâng tổng dư nợ đạt 460.506 triệu đồng, với 19 chương trình tín dụng và 9.959 khách hàng vay vốn, tăng 269.560 triệu đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị 40.
Hết thảy nguồn vốn hơn 460 tỷ đồng đó từ NHCSXH cấp trên chuyển về, do đơn vị tích cực huy động nguồn tiền tiết kiệm trong dân cư và nguồn vốn ngân sách địa phương bổ sung ủy thác, đã được những cán bộ tín dụng chính sách huyện Kỳ Sơn chuyển tải kịp thời đến đúng địa chỉ và đối tượng thụ hưởng, góp phần giúp đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả, phù hợp với từng địa bàn, qua đó khơi dậy ý chí tự lực của người dân vượt qua khó khăn, không chỉ chăm lo lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững, mà còn từng bước làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Gia đình ông Lường Văn Tụ, ở bản Cần Tám, xã Tà Cạ, có 10 ha đất rừng. Trước đây, do thiếu kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, nên đất rừng của nhà ông chủ yếu là rừng hoang và khai thác nguồn lợi theo cách tự nhiên. Nhờ được vay vốn ưu đãi hai lần, với tổng số tiền 100 triệu đồng; đồng thời được hướng dẫn, tập huấn về khuyến nông, nên gia đình ông đã chuyển sang trồng vườn cây ăn quả đặc sản như cam Vinh, bưởi Phúc Trạch, với diện tích 2 ha, đồng thời chăn nuôi lợn, gà và 12 con bò sinh sản. “Hàng năm, sau khi thu hoạch, cộng các khoản, gia đình tôi thu nhập ngót 100 triệu đồng. Có vậy mới có điều kiện làm nhà mới, mua sắm đồ dùng sinh hoạt và tích lũy”, ông Tụ tâm sự.
Còn ở xã Hữu Kiệm, nhiều hộ dân đã nhờ vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất kinh doanh đúng hướng và xây dựng được mô hình trang trại, gia trại đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã, huyện. Nhiều thôn bản cũng được đưa ra khỏi danh sách vùng đặc biệt khó khăn (vùng 3).
Ông La Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm, chia sẻ: “Các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, nhất là nguồn vốn tín dụng ưu đãi do NHCSXH tổ chức cho vay kịp thời, đúng đối tượng, đã tiếp sức cho đồng bào dân tộc thiểu số chủ động thâm canh đồng ruộng, phát triển kinh tế đồi rừng, tạo nguồn thu, cải thiện cuộc sống”.
Có lên vùng núi cao biên giới Kỳ Sơn vào những ngày này mới thấm thía ý nghĩa từng việc làm của những cán bộ tín dụng chính sách, đã bền bỉ chuyển tải đồng vốn ưu đãi của Nhà nước về tận làng bản xa xôi, hẻo lánh; đồng thời luôn thực hiện việc “3 bám” (bám dân, bám bản, bám đối tượng) để “3 cùng” (cùng làm, cùng bàn bạc với chính quyền, đoàn thể và cùng hướng dẫn người nghèo vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả).
Đồng bào trên non ngàn Trường Sơn nhớ như in những cán bộ tín dụng chính sách, trong trang phục áo hồng hoa sen, chẳng quản ngại gian lan vất vả, khi thì vượt đèo cao, lúc lại băng suối sâu, đem nguồn tiền đến tận Điểm giao dịch của NHCSXH mở tại xã, giúp người nghèo vay vốn thuận lợi. Nhiều cán bộ điều hành của Ngân hàng huyện đã thường xuyên có nhiều ngày liền và nhiều lần liên tiếp trong tháng, trong năm, tham gia trực tiếp chỉ đạo công việc giải ngân, thu nợ, cũng như họp bàn với các trưởng thôn bản, ban lãnh đạo hội đoàn thể, để thực hiện việc xây dựng, củng cố kiện toàn hoạt động của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn, nhằm nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Kết quả, số nợ quá hạn tín dụng chính sách ở huyện Kỳ Sơn luôn trong tầm kiểm soát, chiếm tỷ lệ 0,018% của tổng dư nợ hơn 460 tỷ đồng.
Chính những việc làm, những cán bộ tín dụng chính sách luôn tận tâm, đầy nhiệt thành đó đã góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong đó có Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư, đặc biệt đã khơi thông dòng chảy vốn tín dụng chính sách về tới thôn bản, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong cách nghĩ, cách làm để thoát nghèo nhanh, làm giàu chính đáng
Từ một huyện có nhiều khó khăn, sau 10 năm triển khai thực hiện mạnh mẽ, sâu rộng Chỉ thị 40, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã phủ kín hơn 2.000 km2 miền núi cao, thực sự trở thành công cụ hữu hiệu, góp phần giúp địa phương đạt nhiều kết quả ấn tượng trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể, đã hỗ trợ 1.746 lượt hộ có vốn để chủ động sản xuất kinh doanh, từng bước thoát nghèo; 3.125 hộ nghèo xóa được nhà tạm bợ, dột nát; xây mới 1576 công trình nước sạch, nhà vệ sinh hợp chuẩn; giải quyết cho 796 lao động được vay vốn tạo việc làm và 172 học sinh sinh viên là con em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn vay vốn đi học đại học, cao đẳng tại các thành phố lớn…. Nguồn vốn chính sách còn góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm, từ 52,79% năm 2014, xuống còn 49,68% năm 2023.
Đạt được những thành tích đó, theo ông Ngô Minh Tú, Giám đốc NHCSXH huyện Kỳ Sơn, trước hết cấp ủy, chính quyền huyện xác định việc thực hiện chỉ thị 40 và Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên.
Trên cơ sở đó, NHCSXH đã và tiếp tục bền bỉ chung sức, đồng lòng tập trung huy động, các nguồn lực tài chính, chuyển tải nhanh chóng an toàn mọi nguồn vốn chính sách về khắp bản làng, đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần đạt bằng được thắng lợi trong các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên miền núi cao biên giới.