Hiệu quả từ dòng vốn tín dụng chính sách ở Hưng Yên

Nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy hiện quả tại tỉnh Hưng Yên, đã tạo nên những thay đổi rõ rệt về diện mạo nông thôn mới, về phát triển nông nghiệp, về nâng cao đời sống nông dân.

Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người dân, trong đó có sự chung sức, đồng lòng của hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Hưng Yên đã tạo nên những thay đổi rõ rệt về diện mạo nông thôn mới, về phát triển nông nghiệp, về nâng cao đời sống nông dân.

Chú thích ảnh

Giải pháp không thể thiếu trong công cuộc giảm nghèo bền vững

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Hưng Yên, điểm nhấn nổi bật trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Đảng,  đó là: Hoạt động của NHCSXH đã khẳng định nguồn vốn tín dụng chính sách là giải pháp không thể thiếu trong công cuộc phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên quê hương Hưng Yên, nằm ở trung tâm châu thổ Sông Hồng.

Chính từ nhận thức đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương trong những năm qua luôn quan tâm, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện về mọi mặt cho hoạt động tín dụng chính sách. 

Cụ thể, đã thường xuyên ưu tiên bổ sung nguồn vốn ngân sách chuyển sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng thời chú trọng dành diện tích đất đai, trang thiết bị về nơi làm việc cho các phòng giao dịch, các Điểm giao dịch của NHCSXH, bố trí lực lượng an ninh bảo đảm hoạt động tín dụng chính sách được an toàn, minh bạch, công khai để mọi người dân cùng tham gia thực hiện, giám sát.

Phó giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh Hưng Yên, bà Chu Thị Bích Lan, cho biết: Sự hỗ trợ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã đã thực sự tiếp thêm năng lực và hiệu quả hoạt động của ngân hàng tại địa phương.

Tính đến ngày 30/4/2024, số vốn ngân sách từ UBND tỉnh cùng 10 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc đã chuyển sang NHCSXH là 295.239 triệu đồng, tăng 267.454 triệu đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị 40, góp lực đưa tổng nguồn vốn tín dụng chính sách toàn tỉnh đạt 4.321.039 triệu đồng, tăng 124,8% với 10 năm trước.

Hết thẩy nguồn vốn lớn gần 4.400 tỷ đồng từ Trung ương chuyển về, do hệ thống NHCSXH tỉnh tự huy động và nguồn vốn ngân sách của địa phương ưu tiên bổ sung chuyển sang, đã được những cán bộ tín dụng chính sách miền quê giữa châu thổ sông Hồng, chuyển tải kịp thời về 161 Điểm giao dịch xã, phân bổ tới mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn xóm, khu dân cư, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn liếng chủ động thâm canh ruộng vườn, khôi phục mở mang ngành nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Làm giàu từ vốn tín dụng chính sách.

Tỉnh Hưng Yên ngày nay chỉ còn 0,86% tỷ lệ hộ nghèo và cũng là một trong 3 địa phương đầu tiên của cả nước về đích nông thôn mới; đặc biệt có 108 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 34 xã đạt nông thôn kiểu mới.

Thành quả đó có sự đóng góp thiết thực, hiệu quả của NHCSXH trên địa bàn, đã nỗ lực thực hiện tốt Chỉ thị 40 trong công tác huy động các nguồn lực, truyền tải đầy đủ, kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp dân hết nghèo khó, làm giàu chính đáng tại đồng đất quê nhà.

Chú thích ảnh

Tiêu biểu, tại huyện Văn Giang, đã tạo điều kiện cho nông dân và các chủ nhà vườn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để nâng cao hiệu quả sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa hiện đại và đã đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 16%/năm. Đơn cử như gia đình bà Vũ Thị Hà, thôn Lại Ốc, xã Long Hưng, đã vay vốn chương trình hỗ trợ việc làm với số tiền 100 triệu đồng, để đầu tư mua cây giống tốt, bắc giàn tưới phun tự động cho 250 cây hoa mộc và 6 sào vườn nhãn lồng Hưng Yên.

Còn tại huyện Phủ Cừ, với sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền cơ sở, cùng sự đồng hành của NHCSXH huyện Phù Cừ, trong quá trình thực hiện Chỉ thị, đã huy động tăng trưởng nguồn vốn chính sách đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn với tổng diện tích 3000 ha, trong đó nổi tiếng nhất là vải trứng - đặc sản riêng của Phù Cừ. Sự đột phá đó đưa kinh tế của huyện tăng trưởng nhanh (năm 2022 tăng 11%, năm 2023 tăng 13,6%) và trở thành huyện có tổng dư nợ tín dụng chính sách cao, tỷ lệ nợ quá hạn thấp.

Nhìn lại quá trình 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, hoạt động tín dụng chính sách ở tỉnh Hưng Yên đã bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội tại địa phương; chủ động huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi.

10 năm qua, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt 8.530.880 triệu đồng. Nguồn vốn cho vay đó đã giúp 35.594 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 6.152 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 37.000 lao động có việc làm ổn định; xây dựng được 246.000 công trình nước sạch, nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn; làm nhà ở vững chắc cho 1.815 hộ nghèo.

Phát huy vai trò của dòng vốn tín dụng chính sách, NHCSXH tỉnh Hưng Yên tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, triển khai thực hiện sâu rộng Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư.

Cùng với đó, NHCSXH Hưng Yên tiếp tục củng cố nguồn nhân lực, xây dựng hình ảnh người cán bộ tín dụng chính sách luôn gần dân, tận trung phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách; nỗ lực phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024, nhằm góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hưng Yên.

Minh Uyên
Tín dụng chính sách 'chảy đều đặn' trong mỗi đổi thay của quê hương Hà Nam
Tín dụng chính sách 'chảy đều đặn' trong mỗi đổi thay của quê hương Hà Nam

Dòng vốn tín dụng chính sách xã hội được khơi thông, chảy đều đặn, góp phần quan trọng cho các chương trình kế hoạch phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên toàn địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN