Tiền Giang: Tập trung nguồn lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, năm 2022, địa phương tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 1 huyện được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh sẽ có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới hoặc nông thôn mới nâng cao, 7/11 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn về huyện nông thôn mới và số tiêu chí đạt bình quân về nông thôn mới trên mỗi xã đạt 18,4 tiêu chí/xã.

Chú thích ảnh
Huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang có diện tích chuyên canh lớn nhất về trồng cây thanh long với khoảng gần 5.000 ha, năng suất 21 tấn/ha, sản lượng khoảng 95.000 tấn/năm. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Theo kế hoạch, năm 2022, địa phương huy động nguồn vốn trên 1.144 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bao gồm vốn ngân sách tỉnh và vốn doanh nghiệp, chưa kể các nguồn huy động trong nhân dân. Trong đó, nguồn vốn dự kiến hỗ trợ đầu tư cho các công trình trường học, trạm y tế ở các xã đã lên đến 535 tỷ đồng.

Với vai trò là Thường trực Ban Chỉ đạo về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang tăng cường các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện Chương trình, phát huy vai trò doanh nghiệp, hộ nhân dân hưởng lợi trong xây dựng nông thôn mới. Cùng với hướng dẫn, hỗ trợ các xã, huyện xây dựng và triển khai lộ trình phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, công tác xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn các xã được xem là một trong khâu đột phá thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới tại Tiền Giang.

Đẩy nhanh tiến độ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khi tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới Tiền Giang phối hợp cùng các sở, ngành và địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới; xác định đây là việc làm thường xuyên, liên tục, quán triệt “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Trên cơ sở đó, huy động tốt các nguồn lực đóng góp nhằm xây dựng nông thôn mới thành công theo mục tiêu đề ra.

Dựa trên cơ sở Kế hoạch giai đoạn 2021-2025 của Trung ương, UBND tỉnh Tiền Giang xây dựng Kế hoạch và phát động chuyên đề thi đua “Tiền Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025. Ngay từ đầu năm, tỉnh tập trung lãnh đạo việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới cấp huyện, cấp xã bảo đảm tính thực tế, khả thi, hiệu quả và phát huy được lợi thế của từng địa phương. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới cũng như tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp ngày càng mang tính chuyên nghiệp và hoạt động hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Văn Mẫn cho biết, nhằm tạo động lực, kịp thời tháo gỡ các nút thắt trong xây dựng nông thôn mới, địa phương chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tỉnh quan tâm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi những địa bàn khó khăn thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập và giảm nghèo nông thôn, tạo điều kiện để bà con vượt khó làm giàu, vừa góp phần chung sức xây dựng nông thôn mới thành công.

Đáng chú ý, tỉnh định hướng các địa phương mở mang ngành nghề nông thôn, thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa cũng như đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học công nghệ cao trong quá trình sản xuất, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ kết nối thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, địa phương còn tập trung đào tạo và nâng chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng gắn đào tạo nghề với triển khai nhanh, hiệu quả các mô hình, dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm tăng thêm thu nhập, giúp nông hộ ổn định sản xuất và đời sống.

Trong năm 2021, mặc dù đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội nhưng Tiền Giang đã huy động được trên 1.126 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, tỉnh có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện Gò Công Tây đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Toàn tỉnh hiện có 124/143 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, 23 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới gồm: thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy; 3 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới là: Chợ Gạo, Gò Công Đông và Gò Công Tây.

Minh Trí (TTXVN)
Đồng bào Xê Đăng chung tay xây dựng nông thôn mới
Đồng bào Xê Đăng chung tay xây dựng nông thôn mới

Kon Plông là huyện vùng III của tỉnh Kon Tum. Toàn huyện có trên 27.000 người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới hơn 94% và cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN