Từ nguồn quỹ đền ơn đáp nghĩa vận động được từ đầu năm đến nay (khoảng 3,8 tỷ đồng), địa phương đã xây dựng 45 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 1,8 tỷ đồng, đạt 37% kế hoạch năm, vượt 36,3% so với cùng kỳ năm 2019; đồng thời sửa chữa 27 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 540 triệu đồng, đạt 54% kế hoạch năm, vượt 8% so với cùng kỳ năm 2019. Qua đó, các đối tượng chính sách khó khăn về nhà ở ổn định đời sống và sản xuất.
Theo lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang, ngành cũng đã trình UBND tỉnh xem xét điều chỉnh kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng. Mức kinh phí xây dựng nâng từ 40 triệu đồng trước đây lên 60 triệu đồng/căn và mức kinh phí sửa chữa, nâng từ 20 triệu đồng trước đây lên 40 triệu đồng/căn hiện nay.
Ngoài ra, thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, cuối năm 2019 vừa qua, tỉnh Tiền Giang hoàn thành xây dựng, sửa chữa 5.719 căn, với số tiền 111,924 tỷ đồng do Trung ương hỗ trợ. Hiện nay, còn 861 hộ chính sách khó khăn về nhà ở, do trước đây đã được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhưng nay xuống cấp và các trường hợp mới phát sinh, các đối tượng không có khả năng cải thiện nhà ở, cần tiếp tục hỗ trợ. Dự kiến, trong thời gian tới, tỉnh sẽ cân đối ngân sách địa phương để hỗ trợ; trường hợp không cân đối được, sẽ đề xuất Trung ương hỗ trợ.
Đối với việc xóa nghèo cho người có công, qua khảo sát toàn tỉnh có 156 hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, chiếm 0,7% trong tổng số hộ người có công. Hiện nay, Tiền Giang đang xây dựng kế hoạch thoát nghèo cho từng hộ, quyết tâm trong năm 2020 sẽ xóa nghèo cho tất cả hộ người có công thuộc diện nghèo.
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang Phạm Minh Trí cho biết, các hồ sơ tồn đọng đang đươc tập trung giải quyết. Tuy nhiên, công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng còn gặp nhiều khó khăn do hầu hết hồ sơ thương binh, liệt sĩ thể hiện bị thương, hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đều không còn người xác nhận hoặc còn nhưng đã lớn tuổi, bệnh tật, không nhớ rõ để xác nhận thông tin chính xác. Ngoài việc thiếu các giấy tờ thể hiện có bị thương và tham gia cách mạng hy sinh, hồ sơ được lập chủ yếu trên cơ sở những người xác nhận; đa số thuộc diện bị thương, có vết thương phần mềm nhẹ trước đây không chịu lập hồ sơ, khó xác định, giám định tỷ lệ vết thương.
Ngoài ra, các chế độ, chính sách đối với người có công được thực hiện đầy đủ, các hồ sơ đủ điều kiện về thủ tục giấy tờ theo quy định đều được xem xét, giải quyết hoặc hướng dẫn, trả lời theo quy định. Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng được quan tâm; thực hiện tốt công tác thăm, tặng quà gia đình chính sách nhân dịp Lễ, Tết cổ truyền... mua bảo hiểm y tế cho 100% người có công, thân nhân người có công, phụng dưỡng suốt đời 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống.