Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, đến ngày 20/2/2023, địa phương đã giải ngân được 1.079 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 20,4% so kế hoạch vốn đầu tư công được giao. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương giải ngân được trên 833 tỷ đồng, đạt 24,1% so kế hoạch và vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân được 245,8 tỷ đồng, đạt 13,4% kế hoạch.
Từ nguồn vốn đầu tư công, ngay từ đầu năm 2023, Tiền Giang đồng loạt triển khai nhiều công trình đầu tư trọng điểm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như kết nối vùng, liên vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: Dự án cầu Vàm Giồng trên đường tỉnh 864 chạy dọc sông Tiền, dự án 6 cống ngăn mặn tại đầu các kênh rạch thông ra sông Tiền trên đường tỉnh 864, Dự án đầu tư xây mới Trung tâm Kiểm nghiệm, kiểm soát bệnh tật (CDC) tinh Tiền Giang, Dự án xử lý sạt lở bờ sông Tiền trên cù lao Tân Phong (xã Tân Phong, huyện Cai Lậy)…
Trong đó, Dự án xử lý sạt lở bờ sông Tiền trên cù lao Tân Phong vốn giao năm 2023 là 100 tỷ đồng, đã giải ngân được 31,7 tỷ đồng, đạt 3,17% kế hoạch; Dự án đấu tư xây mới Trung tâm Kiểm nghiệm, kiểm soát bệnh tật (CDC) tinh Tiền Giang vốn giao năm 2023 là 60 tỷ đồng, đã giải ngân được 39,5 tỷ đồng, đạt 65,9% kế hoạch…
Để giải ngân nhanh vốn đầu tư công năm 2023, Tiền Giang đúc kết kinh nghiệm triển khai thực hiện tốt nguồn vốn đầu tư công trong năm vừa qua, chú trọng giao vốn sớm cho các chủ đầu tư ngay từ tháng 12 năm trước, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công kịp thời nhằm phát huy nguồn lực quan trọng để tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội; nhất là đối với các dự án thuộc các Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong quản lý đầu tư xây dựng công trình cũng như đẩy mạnh huy động các nguồn lực của các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển. Địa phương tiếp tục khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải gắn với có biện pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Song song đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, bảo đảm sử dụng hiệu quả đồng vốn đầu tư công.
Các cơ quan hữu quan được chỉ đạo phải khẩn trương hoàn tất hồ sơ, thủ tục đầu tư ngay từ đầu năm bao gồm các khâu: lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình nhằm sớm triển khai thi công; khẩn trương giải phóng mặt bằng bàn giao đất sạch cho nhà thầu thi công gắn với tái định cư, hỗ trợ nhân dân bị ảnh hưởng bởi các dự án đầu tư sớm ổn định sản xuất và đời sống, an cư lạc nghiệp…
Ngoài ra, dựa trên tình hình thực tế phát sinh, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang sẽ điều chuyển vốn giữa các công trình có giá trị khối lượng thực hiện và giải ngân thấp sang các công trình có giá trị khối lượng thực hiện cao trong từng nguồn vốn đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Theo lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, năm qua tỉnh đã huy động tổng vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước trên 4.956 tỷ đồng; trong đó có 1.526,8 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương. Tính đến ngày 31/1/2023, Tiền Giang đã giải ngân được 4.941,5 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2022, đạt 99,7% chỉ tiêu được giao, trong nhóm các tỉnh dẫn đầu về giải ngân vốn đầu tư công của cả nước.