PhThứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cùng các thành viên đoàn công tác đã làm rõ hơn các khó khăn, vướng mắc của Điện Biên như: Nội dung liên quan đến luật đất đai mới năm 2024, đặc biệt liên quan đến vấn đề chủ trương lập quy hoạch, kế hoạch đất cấp huyện sau khi bỏ cấp huyện; Vấn đề thuê đất, chuyển đổi mục đích đất trong các nhóm đất; Công tác bồi thường tái định cư, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, việc hỗ trợ về đời sống, đào tạo chuyển đổi nghề; Giá đất bồi thường; Chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất…
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh trong việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, quan tâm bố trí đất ở, đất sản xuất cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; tích cực, chủ động trong công tác chỉ đạo xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đất đai; tỉnh đã chú trọng dành quỹ đất phát triển kinh tế hàng hóa, tạo điều kiện để người dân tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập và ổn định đời sống…
Thứ trưởng Lê Minh Ngân tiếp thu các kiến nghị của Điện Biên đồng thời đề nghị trong gian tới, tỉnh xem xét quan tâm, khẩn trương lập Dự án mới về đo đạc lập bản đồ địa chính; quy hoạch sử dụng đất một cách đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn sau khi thực hiện chính quyền 2 cấp; quan tâm bố trí đất sản xuất cho người dân, đặc biệt là đồng bào vùng dân tộc thiểu số; phát huy lợi thế về tiềm năng xây dựng các thủy điện nhỏ, đồng thời gắn với điều tiết, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả hợp lý... đảm bảo an ninh nguồn nước trong mùa khô; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để từng bước thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường bền vững...
Quang cảnh buổi làm việc.
Theo ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, tỉnh có diện tích tự nhiên 9.562,92 km2; có đường biên giới giáp với Lào và Trung Quốc với tổng chiều dài 455,573 km. Thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã đạt được nhiều kết quả trong phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp với nhiều vùng sản xuất tập trung được mở rộng diện tích; công tác quản lý đất đai được triển khai có hiệu quả; diện tích đất rừng, đất trồng lúa, đặc biệt là đất chuyên trồng lúa nước được khoanh định bảo vệ nghiêm ngặt đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ môi trường tại địa phương... Trong quý I/2025, các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đã đạt được những kết quả tích cực: Tăng trưởng kinh tế GRDP quý I, tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước (xếp thứ 9/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 33/63 tỉnh thành)…
Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô phát biểu tại buổi làm việc.
Tuy nhiên, việc triển khai quản lý nhà nước về nông nghiệp và môi trường tại tỉnh Điện Biên còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Việc đo đạc lập bản đồ địa chính trên địa bàn tỉnh đạt rất thấp, hiện còn 79/129 xã chưa thực hiện đo đạc, chiếm 61,2% (sau thực hiện sáp nhập là 31/45 xã, chiếm 68,8%); Việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đã hoàn thành đối với 23/129 xã, đạt tỷ lệ thấp; Nguồn thu từ đất của tỉnh ở mức thấp nên nguồn kinh phí dành cho đo đạc địa chính (tối thiểu 10% nguồn thu từ sử dụng đất) còn rất hạn hẹp; Khó khăn trong việc xem xét hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai của các dự án khi chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất...
Phó Cục trưởng Cục quản lý đất đai Đoàn Thị Thanh Mỹ phát biểu tại buổi làm việc.
Tỉnh Điện Biên đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm diện tích quy hoạch lâm nghiệp tỉnh Điện Biên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Hỗ trợ kinh phí để tỉnh triển khai các nhiệm vụ: đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất...