Mở rộng liên kết vùng
Để trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, Nam Định đã tổ chức quy hoạch các hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình không gian “ba vùng động lực” nhằm thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng để bổ sung các tiềm năng, thế mạnh cho nhau. Ba vùng kinh tế động lực gồm: Vùng đô thị thành phố Nam Định mở rộng; vùng nông nghiệp - nông thôn (các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Trực Ninh); vùng kinh tế biển (các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường).
Theo ông Mai Văn Quyết, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định, bám sát định hướng từ Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tạo thuận lợi cho hoạt động mở rộng liên kết vùng, kết hợp nâng cấp đồng bộ về kết cấu hạ tầng theo hướng liên hoàn, kết nối, bao gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, điện lực, viễn thông… để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Mặt khác, tỉnh Nam Định đã quy hoạch “năm hành lang kinh tế” trọng điểm để tăng kết nối liên kết vùng, nhằm giải quyết triệt để các vấn đề mà từng địa phương theo địa giới hành chính không giải quyết được như: Hành lang Quốc lộ 10 (thành phố Nam Định - Cao Bồ); hành lang Cao tốc Bắc Nam nối dài (Hà Nội - Cao Bồ - Rạng Đông); hành lang kinh tế ven biển (Nghĩa Hưng - Hải Hậu - Giao Thủy); hành lang Quốc lộ 21 và tuyến đường từ thành phố Nam Định - Xuân Trường - Giao Thủy; hành lang tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng.
Tại các hành lang kinh tế trọng điểm này, tỉnh đã xây dựng quy hoạch các vùng liên huyện, vùng huyện để tập trung phát triển các vùng nông nghiệp tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo, luyện thép, khai khoáng; chú trọng phát triển ngành dịch vụ - du lịch, các điểm du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ cảng và logistics…
Để đảm bảo kết nối liên thông giữa các địa phương trong tỉnh đến các vùng kinh tế trọng điểm, góp phần khơi thông nguồn lực từ các thành phần kinh tế, Nam Định đã tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông như: Quốc lộ 21B (tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý); Quốc lộ 21B kéo dài; giai đoạn I, tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường bộ mới nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 21 và cầu Tân Phong vượt sông Đào; cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ; các tuyến tỉnh lộ 487, 489C…
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cho biết, theo quy hoạch đến năm 2030, kinh tế - xã hội của tỉnh được tổ chức phát triển theo mô hình “Ba vùng động lực, bốn cực tăng trưởng, năm hành lang kinh tế”, với định hướng bố trí các công trình, dự án, hạ tầng kỹ thuật, khu dân cư, đảm bảo kết nối thông suốt; trong đó, trọng tâm là đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông huyết mạch kết nối trung tâm vùng, trung tâm kinh tế các huyện, vùng ven biển, các cực tăng trưởng và hành lang kinh tế.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, tỉnh nằm ở vị trí đầu mối giao thông về đường bộ, đường sắt, đường thủy của vùng Đồng bằng sông Hồng; nằm trong vùng ảnh hưởng của tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; đặc biệt, tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh đang được triển khai sẽ có tác động tích cực cho phát triển kinh tế tỉnh. Do đó, Nam Định có nhiều tiềm năng để tham gia vào sự phân công, hợp tác phát triển chung của vùng và cả nước để bứt phá đi lên.
Thu hút hiệu quả nguồn vốn đầu tư
Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030 xác định phải tập trung huy động, thu hút hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, nhất là thu hút nhiều nhà doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án phát triển trọng điểm, có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa lớn. Quy hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Nam Định trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; đến năm 2050 trở thành trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Để đạt kết quả cao trong thu hút đầu tư, tỉnh Nam Định đã thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước; trong đó tập trung đầu tư, nâng cấp đồng bộ về kết cấu hạ tầng theo hướng liên hoàn, kết nối, bao gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, điện lực, viễn thông; xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp; xây dựng, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm.
Nam Định đã thành lập Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp về tìm hiểu, đầu tư vào tỉnh; hỗ trợ nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát và hoàn thiện thủ tục đầu tư các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là đối với các dự án trọng điểm của tỉnh.
Với các cách làm sáng tạo, hiệu quả, Nam Định đã có những bứt phá mạnh mẽ trong thu hút đầu tư cả về số lượng, quy mô vốn và chất lượng dự án. Điều này cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh đang ngày càng hấp dẫn với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Điển hình là các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện với số vốn gần 100 nghìn tỷ đồng; Tập đoàn Quanta đầu tư 120 triệu USD để sản xuất máy tính; Tập đoàn JiaWei của Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư 100 triệu USD sản xuất đồ gia dụng; Công ty Xingyu Safety Technology (Singapore) đầu tư gần 84,5 triệu USD sản xuất thiết bị bảo hộ y tế; Công ty Liên doanh Trách nhiệm hữu hạn Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) nghiên cứu phát triển hạ tầng khu công nghiệp; Tập đoàn AEON (Nhật Bản) nghiên cứu phát triển trung tâm thương mại…
Ông Nguyễn Văn Kiểm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phẩn đầu tư hạ tầng Khu Công nghiệp Bảo Minh cho rằng, quy hoạch tỉnh Nam Định, trong đó có quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, rất phù hợp với điều kiện thực tiễn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp. Việc quy hoạch, bố trí quỹ đất để đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp gắn với các trục động lực phát triển nơi có vị trí giao thông thuận tiện kết nối sân bay, cảng biển giúp các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng có thêm lợi thế cạnh tranh và khả năng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nam Định và Xúc tiến đầu tư năm 2024, tỉnh đã trao Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 7 dự án, tổng số vốn đăng ký gần 420 triệu USD; ký Bản ghi nhớ đầu tư với 9 nhà đầu tư để triển khai các dự án xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, trung tâm thương mại, khu du lịch sinh thái… Đây đều là những dự án quan trọng sẽ tạo ra nguồn thu ngân sách lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.