Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương, cơ quan liên quan quản lý chặt chẽ các phương tiện tàu, thuyền ra khơi; tổ chức kiểm đếm theo dõi tàu, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để kêu gọi, hướng dẫn thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến; bảo đảm an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội, an toàn về người, tài sản trên các đảo và lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, các tàu vận tải, hoạt động du lịch trên các đảo, ven biển, công trình đang thi công.
Các địa phương khẩn trương tổ chức cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các công trình cột tháp cao; bảo đảm an toàn các tuyến đê sông, đê cửa sông, đê biển, nhất là các vị trí xung yếu hoặc đang thi công. Các địa phương sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt; chủ động thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản đến thời kỳ thu hoạch.
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, thực hiện các Điện và Công điện, hiện các đơn vị của Bộ đội Biên phòng tỉnh đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Noru trên biển Đông. Theo đó, đơn vị chỉ đạo 4 đài Thông tin báo bão thường xuyên thông báo, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí , hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, không đi vào vùng nguy hiểm
Đơn vị chỉ đạo các đơn vị bổ sung kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm Công điện chỉ đạo của trên; thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến tình hình thời tiết, báo cáo kiểm đếm, giữ liên lạc với các phương tiện hoạt động trên biển; thường trực lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh.
Theo thống kê toàn tỉnh hiện có tổng số 6.513 phương tiện với 25.240 lao động; trong đó neo đậu tại bến 6.330 phương tiện/24.439 lao động; đang hoạt động trên biển 183 phương tiện/801 lao động. Cụ thể tại vùng biển Thanh Hoá 154 phương tiện/568 lao động; Quảng Ninh 8 phương tiện với 65 lao động; Hải Phòng 47 phương tiện với 363 lao động; Nam Định 9 phương tiện với 65 lao động… Số phương tiện trên đã nắm được thông tin bão số 4 và thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng và gia đình, chính quyền địa phương.
Cũng theo tổng hợp từ Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, do mưa lớn kéo dài từ ngày 21/9 đến chiều 24/9, gần 50% số hồ chứa trên địa bàn tỉnh đã tích đầy nước. Trong số đó, 57 hồ do các công ty khai thác công trình thủy lợi quản lý và 239 hồ do các huyện quản lý. Dự báo trong những ngày tới, mưa vẫn tiếp diễn ở hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh, vì vậy các đơn vị quản lý đang có giải pháp xả nước bảo đảm an toàn.