Tăng thu nhập nhờ giữ rừng

Đối với phần lớn người dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum, cuộc sống của họ đã gắn bó với rừng từ lúc sinh ra và lớn lên. Vì vậy, người dân tin rằng rừng chính là lẽ sống, linh hồn của làng nên chung sức bảo vệ giữ gìn “lá phổi xanh” để cùng nhau được rừng che chở, hưởng lợi. Với chính sách giao khoán và chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, cộng đồng người dân tộc thiểu số đã có thêm nguồn thu nhập ổn định, từng bước ổn định cuộc sống.

Chú thích ảnh
Những diện tích rừng xanh ngát được cộng đồng người Xơ Đăng tại xã Đăk Hà gìn giữ, bảo vệ.

Giữ rừng để tăng thu nhập

Làng Ty Tu hiện có 80 hộ với 495 nhân khẩu là người Xơ Đăng đang sinh sống. Trước đây, ngôi làng được bao bọc bởi những cánh rừng xanh ngát, còn hoang sơ và chưa bị tác động bởi bàn tay con người. Qua thời gian, người dân bắt đầu khai hoang, phát rừng để làm nương rẫy nên mất dần những cánh rừng già. Đây cũng là tiền đề khiến những trận lũ lụt kéo về làng ngày một nhiều hơn, nhất là trận lũ năm 2009 đã mang lại mất mát lớn cho bà con nơi đây.

Ông A Dao (61 tuổi, làng Ty Tu) cho biết, sau những mất mát, đau thương khi không còn rừng, người dân đã dần thấu hiểu những lợi ích mà rừng mang lại. Giờ đây, dân làng xem những cánh rừng tại địa phương như là nguồn sống của cộng đồng nên ra sức cùng nhau bảo vệ để giúp con cháu sau này có thể được hưởng lợi hơn từ rừng.

Năm 2023, Ủy ban nhân dân xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông) tiến hành giao khoán hơn 190 ha rừng cho cộng đồng làng Ty Tu bảo vệ. Bà con nơi đây đã thành lập các tổ tuần tra với 25 người, mỗi tháng một tổ đi tuần tra rừng 2 lần, một lần đi thì chia thành hai đoàn đi theo hai hướng khác nhau. Việc tuần tra, kiểm soát diện tích rừng được bà con triển khai đều đặn, thường xuyên, đặc biệt là vào mùa khô, khi nhiều khu vực có nguy cơ cháy rất cao. Nếu phát hiện những đối tượng khả nghi hoặc phát hiện tình trạng khai thác lâm sản trái phép, tổ tuần tra sẽ lập tức báo với cơ quan chức năng để tiến hành xử lý, quyết tâm không để ai phá rừng.

Thông qua hơn 190 ha rừng được giao khoán quản lý bảo vệ, dân làng Ty Tu hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là hơn 76 triệu đồng/năm. Số tiền này được cộng đồng làng trích một phần tiền công cho những người tham gia tuần tra, bảo vệ rừng, số tiền còn lại được xung quỹ để sử dụng vào những hoạt động chung của cả làng.

Ông Vi Văn Chồm – Bí thư Chi bộ, Thôn trưởng làng Ty Tu cho biết, khi nhận được số tiền từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, cộng đồng làng sẽ thông báo công khai và tiến hành trả công cho những người tham gia bảo vệ rừng theo số ngày công đã được chấm. Trừ đi số tiền công, làng sẽ giữ lại khoảng 20 triệu đồng để làm quỹ phục vụ cho những hoạt động chung. Đối với những trường hợp không tham gia tuần tra, bảo vệ hoặc làm mất rừng, làng sẽ phạt tiền công và tiến hành xung quỹ.

Nhờ rừng, người Xơ Đăng đã có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương; trong đó, số tiền quỹ sẽ được cộng đồng làng dùng vào những việc như xây dựng đường, chi trẻ tiền điện, tổ chức lễ hội hoặc cho các hộ khó khăn vay vốn không tính lãi…

Tại xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà), cộng đồng người dân tộc thiểu số ngày càng nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng; tình trạng phá rừng làm nương, rẫy không còn xảy ra. Anh A Hiếu (làng Kon Năng Treng, xã Đăk Ui) cho biết, việc triển khai tuần tra, kiểm soát diện tích rừng giao khoán được bà con thực hiện thường xuyên, đều đặn, nhất là vào mùa khô. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, việc bảo vệ rừng là bảo vệ nguồn nước của cả làng và số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng là rất lớn nên luôn nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng.

Hiện xã Đăk Ui đã giao khoán hơn 2.600 ha rừng cho hơn 270 hộ gia đình để quản lý và bảo vệ. Số tiền các hộ dân thu về từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt gần 1,5 tỷ đồng/năm. Ông A Tuấn (xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà) phấn khởi cho biết, với số tiền 10 triệu đồng/năm nhận được từ việc tham gia bảo vệ rừng, gia đình đã đầu tư vào trồng cây cà phê và cây ăn quả; nhờ đó, gia đình từng bước có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.

Trồng rừng và hưởng lợi 

Thấy được những lợi ích mà rừng mang lại, cộng đồng các dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum đã nâng cao ý thức, không còn để xảy ra tình trạng phá rừng làm nương rẫy; đồng thời, cùng nhau trồng thêm rừng với hi vọng mở rộng được diện tích “lá phổi xanh”, tiếp tục được hưởng thêm nhiều lợi ích từ rừng.

Riêng tại làng Ty Tu (xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông), từ năm 2021 đến nay, người dân đã trồng được hơn 75 ha rừng gồm các loại cây như thông, sơn tra, mắc ca; trong đó có 29,39 ha được trồng mới từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ; 45,8 ha rừng trồng mới được người dân tự mua trồng. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân xã Đăk Hà hỗ trợ 2.000 cây thông trồng phân tán dọc tuyến đường chính của làng và đường đi khu sản xuất.

Chú thích ảnh
Mỗi tháng 2 lần, cộng đồng người Xơ Đăng tại làng Ty Tu lại đi kiểm tra, bảo vệ hơn 190 ha rừng được giao khoán.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Hà Dương Thái Khoa khẳng định, việc giao khoán diện tích rừng cho bà con bảo vệ chăm sóc thực hiện bài bản, mang lại hiệu quả cao. Nhờ đó, trên địa bàn không còn tình trạng phá rừng, bà con ý thức được rằng việc giữ rừng sẽ mang lại nguồn nước phục vụ sản xuất, có thêm thu nhập, nhất là tránh nguy cơ lũ lụt và sạt lở đất.

Xác định việc trồng và phát triển rừng là nhiệm vụ trọng tâm, huyện biên giới Ia H’Drai đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện các nhiệm vụ trồng rừng, phủ xanh diện tích đất trống đồi trọc trên địa bàn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ia H’Drai Võ Anh Tuấn khẳng định, bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, huyện luôn hoàn thành và vượt các chỉ tiêu trồng rừng hằng năm. Toàn huyện đã trồng mới được hơn 957 ha rừng và gần 150.000 cây phân tán. Song song với trồng rừng và cây phân tán, huyện còn đặc biệt quan tâm đến chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng được trồng; trong đó, huyện đã gắn trách nhiệm quản lý, chăm sóc cây sau khi trồng đến từng cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân, nhằm nâng cao tỷ lệ cây sống đạt từ 85-95%.

Thời gian tới, huyện Ia H’Drai đặt ra mục tiêu hoàn thành và vượt các chỉ tiêu về quản lý, phát triển rừng mà nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra; trong đó, tập trung kêu gọi, huy động nguồn lực từ xã hội hóa, kết hợp lồng ghép với các chương trình, dự án tài trợ, dự án đầu tư công để thực hiện kế hoạch trồng rừng và trồng cây phân tán hằng năm.

Trong năm 2023, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã thực hiện chi trả hơn 346 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng là tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình để thực hiện các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng; góp phần bảo vệ tốt diện tích rừng trong lưu vực và cải thiện đời sống cho người dân.

Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum Hồ Thanh Hoàng cho biết, đơn vị sẽ chủ động, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện chính sách theo quy định của nhà nước và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đồng thời, tiếp tục tổ chức các hội nghị tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, kết hợp tập huấn quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng trong phát triển sinh kế tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh để tiếp chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt được hiệu quả. Từ đó, giúp các cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư phát triển sinh kế, nâng cao đời sống, xây dựng khu dân cư ngày càng giàu mạnh.

Bài và ảnh: Khoa Chương (TTXVN)
Canh lửa, giữ rừng mùa hanh khô
Canh lửa, giữ rừng mùa hanh khô

Là tỉnh có diện tích rừng lớn, độ che phủ cao nên công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng luôn được tỉnh Lai Châu đặc biệt coi trọng. Bước vào mùa khô hanh năm nay, các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp để phòng, chống cháy rừng hiệu quả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN