Đợt mưa lũ năm nay diễn ra trên diện rộng và kéo dài nhiều ngày khiến hàng ngàn hộ dân có nhà bị ngập, nhiều gia súc, gia cầm chết trôi, gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, ngay khi nước rút, hệ thống y tế cơ sở đã tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương xuống các vùng bị ngập lụt xử lý rác, xác súc vật, tập trung thu gom và xử lý gọn để tránh dịch bệnh, cấp phát Cloramin B giúp người dân khử trùng nguồn nước.
Anh Nguyễn Văn Thắng, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh cho biết, cách đây vài ngày, do địa bàn ngập lụt nên sinh hoạt gia đình bị đảo lộn hoàn toàn. Sau khi nước rút, gia đình cũng rất lo lắng sẽ thiếu nước sạch sinh hoạt cũng như các dịch bệnh về đường tiêu hóa, dịch sốt xuất huyết. Vì vậy, để phòng ngừa sốt xuất huyết, gia đình thường xuyên mắc màn khi đi ngủ. Ngoài ra, để có nguồn nước sạch sử dụng, anh đã dùng Cloramin B mà cán bộ y tế cấp phát cho để khử trùng nguồn nước.
Với phương châm nước rút đến đâu vệ sinh đến đó, hầu hết các gia đình tự chủ động dọn dẹp lau chùi nhà cửa, rác thải, xác chết động vật cũng được xử lý an toàn. Tại các công sở, địa điểm công cộng, các đoàn viên, thanh niên và các lực lượng tình nguyện được huy động tham gia dọn dẹp bùn đất, lau chùi các vật dụng, đảm bảo môi trường sạch sẽ, an toàn. Các trạm y tế, qua các năm đã có kinh nghiệm xử lý sau mưa lũ nên chủ động cơ số thuốc và các vật tư y tế để phục vụ bà con trong mùa mưa lũ.
Bác sỹ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Bình cho biết, ngay sau lũ, ngành Y tế đã tổ chức các đoàn cán bộ về thăm hỏi, chia sẻ, hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại; động viên cán bộ y tế cơ sở cố gắng vượt qua khó khăn, tích cực khắc phục hậu quả mưa lũ để sớm ổn định cuộc sống và công tác. Trước mắt, đơn vị đã thành lập 2 đội cơ động và trang bị đầy đủ thuốc men, hóa chất, thuốc phun xử lý môi trường, khi thời tiết khô ráo sẽ triển khai phun hóa chất phòng chống dịch trên diện rộng.
Sau lũ, các nhóm bệnh hay gặp như tiêu chảy, sốt, cảm cúm, hô hấp, đau mắt đỏ… dễ bùng phát. Vì vậy, ngành Y tế Quảng Bình khuyến cáo người dân nâng cao ý thức, kiến thức, kỹ năng phòng chống dịch bệnh; ăn chín, uống sôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng; thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước bằng các hóa chất khử trùng nước. Công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm cũng cần được quan tâm, xử lý đúng cách.
Các cơ sở y tế trong tỉnh thực hiện tốt công tác sẵn sàng thu dung, điều trị người bệnh, làm tốt công tác y tế dự phòng, tăng cường các hoạt động giám sát và phòng chống dịch bệnh, bảo đảm không để xảy ra dịch bệnh sau mưa lũ. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về phương tiện, nhân lực, thuốc, hóa chất phòng chống bão lụt, sẵn sàng hỗ trợ cho các địa phương khi có yêu cầu…