Hiện tại, tỉnh đang tiếp tục cơ cấu lại ngành, xây dựng nền nông nghiệp Hưng Yên phát triển theo hướng "Hiệu quả cao, phát triển nhanh, an toàn và bền vững", qua đó nâng cao thu nhập cho người dân.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Đỗ Minh Tuân cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021-2025 tăng bình quân từ 2 - 2,5%/năm, tỉnh đã tập trung tái cơ cấu lại các ngành trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Ngành trồng trọt chuyển sang sản xuất theo hướng chất lượng cao, đến nay, đã có hơn 3.100 ha cây rau, củ, quả sản xuất theo quy trình VietGAP và sản xuất hữu cơ; chuyển hàng nghìn ha đất trồng cây hiệu quả thấp sang trồng cây lâu năm, cây hàng năm kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản có giá trị cao. Qua đó, nâng tổng số diện tích đã chuyển đổi lên 19.000 ha, đưa diện tích nhiều loại cây trồng có giá trị thu nhập cao tăng nhanh. Nhiều mô hình sản xuất rau, quả, cây dược liệu... cho thu nhập cao gấp 3-5 lần so với sản xuất lúa; giá trị sản xuất trên một ha canh tác năm 2023 đạt 238 triệu đồng.
Ngành chăn nuôi, thủy sản từng bước chuyển sang chăn nuôi an toàn sinh học, tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản chiếm tỷ lệ ngày càng cao, hơn 52% trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Trong số đó, nuôi thủy sản chuyển dần từ nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình sang hình thức nuôi theo tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp. Phát triển công nghệ "nuôi cá sông trong ao nước tĩnh", "nuôi lồng bè trên sông" và "nuôi thủy sản trong ao bán nổi" với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao.
Tỉnh Hưng Yên cũng đẩy mạnh và khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Đến nay, tỉnh đã xây dựng được khoảng 180 mô hình cánh đồng sản xuất tập trung, quy mô lớn với tổng diện tích hơn gần 3.800 ha...
Cùng đó, tỉnh đã tập trung đầu tư, phát triển đa dạng sản phẩm, chế biến, chế biến sâu các sản phẩm truyền thống, hình thành nhiều sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) như sản phẩm nhãn lồng, hạt sen long nhãn, gà Đông Tảo, nghệ Chí Tân… là những đặc sản riêng có của mảnh đất Hưng Yên. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 271 sản phẩm OCOP được công nhận; trong đó, 225 sản phẩm đạt 3 sao và 46 sản phẩm đạt 4 sao.
Đáng chú ý, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc và là một trong ba địa phương dẫn đầu cả nước. Đến nay, tỉnh Hưng Yên có 102/139 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 160 khu dân cư được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Văn Giang là huyện đầu tiên của tỉnh được Thủ tướng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Ông Đỗ Minh Tuân cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Hưng Yên còn nhiều khó khăn, bất cập, nhất là việc liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Cùng đó, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao nhiều nơi còn manh mún; việc tìm đầu ra cho các loại nông sản còn khó khăn....
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam cho biết, thời gian tới, tỉnh Hưng Yên đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và an toàn, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Đồng thời, phát triển nhanh các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đưa nhanh cơ giới hóa vào sản xuất; áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại gắn với chế biến, bảo quản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Cùng đó, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp và nông thôn, trọng tâm là tăng cường nghiên cứu khảo nghiệm, tuyển chọn các loại giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao để đưa vào sản xuất; ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ sau thu hoạch nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Hùng Nam, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn vốn xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, chú trọng đầu tư trực tiếp cho các chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng. Tỉnh nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, tập trung xử lý các điểm nóng về trật tự xã hội nông thôn; tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội ở nông thôn, hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất để thoát nghèo bền vững.
Các địa phương tiếp tục huy động nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, ưu tiên công trình, dự án có động lực thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; nhu cầu cấp thiết của người dân; thường xuyên quan tâm tới bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn...