Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Quý Phương cho biết, đây là hoạt động trọng tâm của Tháng Công nhân năm 2024, là dịp để lãnh đạo tỉnh tiếp xúc, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của công nhân, người lao động; đồng thời tiếp tục khẳng định sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, tổ chức Công đoàn đối với công nhân, người lao động trên địa bàn.
Ông Phan Quý Phương đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh cùng các sở, ban, ngành liên quan tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến để chủ động giải quyết hoặc tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời. Các cấp Công đoàn tiếp tục nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động. Các doanh nghiệp, đơn vị phải thực hiện nghiêm quy định pháp luật; chăm lo, xây dựng môi trường làm việc thân thiện, khuyến khích công nhân, người lao động tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tại Chương trình đối thoại, lãnh đạo, đại diện các sở, ban, ngành tỉnh lắng nghe và giải đáp 20 câu hỏi từ các đoàn viên công đoàn, người lao động xoay quanh những vấn đề về an toàn vệ sinh lao động; tình hình việc làm, duy trì việc làm bền vững; nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động; các giải pháp phát triển nhà ở, nơi vui chơi, giải trí, trường học cho con của công nhân, người lao động; cơ chế, chính sách tiền lương; tình trạng “tín dụng đen” trong các khu công nghiệp…
Nhiều ý kiến chỉ ra tình trạng mất an toàn vệ sinh lao động ở các doanh nghiệp như: trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân chưa đầy đủ, chưa khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; kiến nghị tỉnh có giải pháp buộc doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trong việc tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động.
Theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh, năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ tai nạn lao động, làm 5 người chết. Nguyên nhân chủ yếu do sự lơ là, chủ quan của người sử dụng lao động, thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát và chưa nắm rõ quy trình thực hiện các quy định về Luật Lao động, công tác an toàn vệ sinh lao động. Số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng dẫn đến chết người đang giảm qua các năm, tuy nhiên công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn còn một số tồn tại, thiếu sót, xảy ra những vi phạm gây chết người.
Trước thực tế và kiến nghị của người lao động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Quý Phương cho biết, doanh nghiệp nếu không đảm bảo quy định về an toàn, vệ sinh lao động thì bắt buộc phải có chế tài mạnh là rút giấy phép hoặc xử phạt. Sức khỏe, an toàn cho người lao động là ưu tiên hàng đầu.
Ngoài ra, lãnh đạo UBND tỉnh và Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đã giải đáp những thắc mắc về sự thiếu hụt nhà trẻ, mẫu giáo, khu vui chơi trên địa bàn huyện Phú Lộc - nơi có lượng lớn lao động lao động đang làm việc tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Tỉnh đang kêu gọi đầu tư hai dự án nhà ở xã hội và ba dự án nhà ở thương mại tại đây. Các dự án đều có đầy đủ thiết chế nhà ở, công trình dịch vụ, giáo dục, y tế, thể thao, văn hóa… nhằm phục vụ trực tiếp cho người lao động làm việc tại khu kinh tế.
Thời gian tới, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh sẽ phối hợp huyện Phú Lộc và các cơ quan chức năng rà soát, đánh giá nhu cầu về nhà trẻ, trường mầm non, các khu vui chơi, giải trí để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét đầu tư các công trình này từ nguồn vốn ngân sách, nhằm đáp ứng hạ tầng xã hội thiết yếu, phục vụ cho người lao động; từng bước xây dựng đô thị Chân Mây theo định hướng được phê duyệt.
Dịp này, Ban tổ chức trao 200 suất quà tặng các đoàn viên công đoàn, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.