Trong đó, tập trung cải thiện điểm số và nâng thứ bậc các chỉ số thành phần: Tăng 3 bậc trở lên đối với chỉ số “Tiếp cận đất đai”; tăng 8 bậc trở lên đối với chỉ số “Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh”; tăng 10 bậc trở lên đối với chỉ số “Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự”; cải thiện thứ bậc 7 chỉ số: “Đào tạo lao động”; “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”; “Tính minh bạch”; “Chi phí thời gian”; “Cạnh tranh bình đẳng”; “Chi phí không chính thức”; “Chi phí gia nhập thị trường”.
Bên cạnh đó, phấn đấu Chỉ số PAR INDEX của Phú Thọ năm 2024 duy trì trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu của cả nước; Chỉ số SIPAS đạt 90% mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; Chỉ số PAPI đạt ở nhóm cao nhất của cả nước.
Phấn đấu trong top 30 tỉnh, thành phố ở chỉ số PGI, cải thiện điểm số và thứ bậc các chỉ số thành phần: “Thúc đẩy thực hành xanh”; “Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động của biến đổi khí hậu”; “Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu”; “Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường”.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, ông Bùi Văn Quang, nhấn mạnh việc duy trì và giữ vững tính ổn định của các chỉ số đánh giá là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện khâu đột phá cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh; đồng thời đề nghị bổ sung thêm kết quả xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII), để có thêm cái nhìn thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Để đạt được các chỉ tiêu trên, tỉnh Phú Thọ yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị cần đánh giá đúng thực trạng, kết quả thực hiện các nội dung và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao các bộ chỉ số và các chỉ số thành phần; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó bám sát các nhiệm vụ được phân công chủ trì thực hiện cải thiện đối với từng nội dung, các nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan để tổ chức thực hiện theo chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được xác định.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính; cắt giảm thủ tục hành chính; nâng cao vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trực hướng dẫn, hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu về môi trường đầu tư tại tỉnh.
Theo báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năm 2023, tỉnh Phú Thọ xếp thứ 10 trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất, đứng thứ 2 Vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp, tỉnh trong tốp 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất.
Theo công bố của VCCI trong những năm gần đây, tỉnh Phú Thọ luôn được các doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng đào tạo lao động.