Căn nhà mới của gia đình bà Đỗ Thị Bình, khu 13, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy đang được xây dựng từ nuồn vốn hỗ trợ của chính quyền và các nhà hảo tâm. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Thống kê của Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ, tính đến hết quý I/2025, toàn tỉnh đã triển khai thi công 343 ngôi nhà cho người có công; trong đó xây mới 146 căn, cải tạo sửa chữa 197 căn.
Vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Yến ở khu 15, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông không giấu nổi niềm vui và hạnh phúc khi ngôi nhà mới đã được xây dựng xong. Vậy là mong ước về một ngôi nhà kiên cố, khang trang đã thành hiện thực!
Ông Yến, 76 tuổi, bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam sau thời gian tham gia chiến đấu chống Mỹ cứu nước, sức khỏe yếu, hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ chồng ông phải sống trong căn nhà cấp 4 đã xuống cấp nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Văn Quân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Vạn Xuân cho biết: Thực hiện phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát do trung ương và tỉnh phát động, xã Vạn Xuân có 6 hộ được xóa nhà tạm, trong đó có 2 hộ là người có công với cách mạng (gồm hộ ông Nguyễn Ngọc Yến). Ngoài số tiền được hỗ trợ theo quy định là 60 triệu đồng, xã cũng huy động các nguồn lực để hỗ trợ tối đa 7 triệu đồng cho hộ xây nhà mới, 5 triệu đồng cho hộ cải tạo, sửa chữa.
Ông Nguyễn Thạch Cáp, ở khu 8, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, là thương binh loại A (tỷ lệ thương tật 5/8), vợ ông cũng sức khỏe yếu. Cuộc sống hằng ngày của ông bà chủ yếu dựa vào trợ cấp của Nhà nước nên không có điều kiện xây mới nhà ở. Hai vợ chồng trong căn nhà xây từ năm 1981, đã xuống cấp nghiêm trọng.
Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, huyện và địa phương cùng bà con lối xóm đã chung tay giúp đỡ hỗ trợ gia đình xây dựng lại ngôi nhà đảm bảo kiên cố, vững chãi. Ngôi nhà được xây dựng với diện tích 140m², bao gồm nhà chính và các công trình phụ, thiết kế kiểu nhà cấp III, một tầng. Tổng kinh phí xây dựng hơn 798 triệu đồng, trong đó: Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm huyện Lâm Thao hỗ trợ 80 triệu đồng; Quỹ nạn nhân chất độc da cam huyện hỗ trợ 10 triệu đồng; Quỹ đền ơn đáp nghĩa huyện hỗ trợ 6 triệu đồng; xã Tứ Xã hỗ trợ 5 triệu đồng; Hội Cựu chiến binh xã hỗ trợ 1 triệu đồng; kinh phí còn lại do gia đình vay mượn, tích lũy và người thân giúp đỡ.
Ông Lương Ngọc Thạch - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát nói chung, xóa nhà tạm cho người có công với cách mạng nói riêng là một trong những chủ trương lớn, nội dung trọng tâm của tỉnh trong năm 2025.
Để hoàn thành mục tiêu xóa 1.265 nhà tạm cho người có công với cách mạng của tỉnh trong năm nay, MTTQ các cấp sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm phát huy cao nhất khả năng huy động nguồn lực xã hội hóa từ cộng đồng trên tinh thần “Ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều”.
Cùng với đó, phát huy vai trò của MTTQ các cấp trong giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm cho người có công, đảm bảo việc hỗ trợ đúng đối tượng, công bằng, công khai, minh bạch, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, không để xảy ra thất thoát, lãng phí và tiêu cực.
Thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm cho người có công với cách mạng, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành kịp thời, sát sao, quyết liệt với tinh thần “chỉ bàn làm không bàn lùi”, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong các tầng lớp Nhân dân.
Đặc biệt, các địa phương trong tỉnh đã rà soát kỹ số liệu, đối tượng để việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng đảm bảo đúng người, đúng tiêu chuẩn, đúng định mức, không bị trùng lắp các chương trình, tuân thủ nghiêm trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật; chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát, thực hiện các thủ tục chuyển mục đích, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các gia đình, cá nhân còn có vướng mắc về đất ở.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, huy động các tầng lớp Nhân dân chung tay hỗ trợ; đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ như giúp đỡ ngày công, nguyên vật liệu, đồ dùng sinh hoạt...
Nhờ đó đến nay, việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng đã trở thành phong trào lan tỏa trong toàn xã hội, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc. Thông qua phong trào đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và giữ vững ổn định chính trị - xã hội tại các địa phương.