Toàn cảnh Kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN
Nhiều vấn đề dư luận quan tâm đã được các đại biểu chất vấn. Kỳ họp cũng đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm và thông qua 19 Nghị quyết quan trọng đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển cho năm 2023 và những năm tiếp theo.
Nhiều vấn đề dư luận quan tâm được giải đáp kịp thời
Một vấn đề được đại biểu chất vấn là công tác phòng cháy, chữa cháy và phòng ngừa tội phạm, nhất là các hành vi vi phạm liên quan đến thanh, thiếu niên. Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ Nguyễn Minh Tuấn cho biết, tình hình cháy nổ trong cả nước và trên địa bàn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong 6 tháng qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 8 vụ cháy, tài sản thiệt hại trị giá khoảng 308 triệu đồng và 8,5 ha rừng. Nguyên nhân là do một số cơ sở tuy đã được cơ quan chức năng thẩm duyệt, nghiệm thu an toàn về phòng cháy chữa cháy nhưng trong quá trình hoạt động đã tự ý cải tạo, sửa chữa, thay đổi. Một số cơ sở bị yêu cầu tạm dừng hoạt động để bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn. Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ thường xuyên rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn phòng cháy chữa cháy. Qua đó kịp thời phát hiện những bất cập để kiến nghị các đơn vị chức năng sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với tình hình, yêu cầu thực tế.
Về tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập thành nhóm, khiêu khích, dùng hung khí, vũ khí gây rối, đánh nhau, hành xử kiểu "giang hồ", Giám đốc Công an tỉnh nêu rõ lực lượng Công an sẽ tăng cường phối hợp các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh giáo dục pháp luật, phòng ngừa tội phạm, nhất là các hành vi vi phạm liên quan đến thanh, thiếu niên. Lực lượng Công an các cấp tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng ngừa nghiệp vụ; tăng cường nắm tình hình, quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng, nhất là số thanh thiếu niên hư, chơi bời, lêu lổng, có biểu hiện vi phạm pháp luật, từ đó có biện pháp giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật ngay từ cơ sở. Công an tỉnh sẽ thường xuyên mở các đợt tấn công trấn áp tội phạm; kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm với các đối tượng vi phạm là thanh thiếu niên vi phạm, kiên quyết xử lý những người giao phương tiện cho thanh thiếu niên sử dụng.
Trả lời chất vấn về vấn đề hoạt động trái phép tại các bến, bãi bốc xếp hàng hóa, ông Trần Hoài Giang, Giám đốc Sở Giao thông vận tải nêu rõ, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bến không được cấp phép hoặc đã hết hạn thời gian hoạt động nhưng vẫn chưa làm thủ tục để hoạt động trở lại; việc xử lý các vi phạm chưa được quyết liệt, dứt điểm. Thời gian qua, Sở đã thường xuyên rà soát, thống kê tất cả các bến bãi không đủ điều kiện hoặc chưa công bố lại, gửi văn bản tới các địa phương để cưỡng chế dừng hoạt động và xử lý kịp thời. Đây là vấn đề rất bức xúc và nổi cộm, nhiều lần cho ý kiến xử lý nhưng đến nay vẫn chưa được triệt để. Ông Trần Hoài Giang đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo việc thông tin, thu hồi giấy phép các bến, bãi không đủ điều kiện kinh doanh; kiên quyết không cấp phép cho các bến, bãi không đủ điều kiện và xử lý tất cả các bến bãi hiện còn tồn tại vi phạm.
Làm rõ về tình trạng nhiều đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, ông Trần Xuân Long, Phó Giám đốc quản lý điều hành Bảo hiểm Xã hội tỉnh chỉ rõ nguyên nhân do một số chủ sử dụng lao động cố tình không đóng, chậm đóng; có dấu hiệu chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Một số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, không có khả năng thanh toán, một số doanh nghiệp nhỏ không tự giác đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Trong 6 tháng qua, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 194 đơn vị và yêu cầu truy thu, thu hồi với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Để khắc phục, hạn chế tình trạng nợ đọng của các doanh nghiệp, Bảo hiểm Xã hội tỉnh tiếp tục công khai tình trạng doanh nghiệp vi phạm luật, cố tình, chây ỳ nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ 3 tháng trở lên trên các phương tiện thông tin đại chúng; hàng quý cung cấp danh sách các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy chế phối hợp cho các sở, ngành để phối hợp đôn đốc thu nợ; tiếp tục đẩy mạnh thanh tra đột xuất chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp để phạt vi phạm hành chính, xử lý theo quy định; đồng thời khời kiện ra toà đối với các đơn vị cố tình không chấp hành xử vi phạm…
Tại kỳ họp, nhiều vấn đề dư luận quan tâm như tình trạng xe chở đất không đảm bảo quy định tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường; tình trạng sạt lở bờ sông; ô nhiễm môi trường do chăn nuôi; người lao động bị giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên, chấm dứt hợp đồng lao động… cũng được các đại biểu HĐND chất vấn.
Nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
Phát biểu tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Trọng Tấn nhấn mạnh, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế của cả nước đạt thấp (3,72%) nhưng Phú Thọ vẫn giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 7,22%. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 18.485 tỷ đồng, tăng 12,5% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 3.972 tỷ đồng, bằng 81,7% so cùng kỳ.
Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong những tháng tiếp theo, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phục hồi, phát triển; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó tập trung chỉ đạo 18 dự án giao thông, phấn đấu năm 2023 hoàn thành 5 dự án; đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao đất để nhà đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư đối với Khu Công nghiệp Cẩm Khê, Phú Hà... Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện tốt chính sách việc làm, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính...
Bế mạc kỳ họp, ông Bùi Minh Châu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, ngay sau kỳ họp, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành triển khai đồng bộ, hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc sơ kết đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025; thực hiện các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phục hồi, phát triển; thực hiện thường xuyên khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Các địa phương nhanh chóng thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh đã được thông qua; khắc phục khuyết điểm, hạn chế, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023…
Với những giải pháp đưa ra, Phú Thọ phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế năm từ 7,5% trở lên; đưa tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt từ 63 triệu đồng trở lên; tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt 43,5 nghìn tỷ đồng trở lên, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 6.109 tỷ đồng trở lên. Tỉnh cũng phấn đấu 6 tháng cuối năm có thêm 4 xã, 94 khu dân cư nông thôn mới, 6 xã nông thôn mới nâng cao, 53 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Thanh Ba, huyện Tam Nông được công nhận huyện nông thôn mới; phát triển và nâng cấp thêm 69 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên...