Nền móng đầu tiên
Bạch Long Vỹ là đảo nằm xa bờ nhất của Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ, cách đất liền Hải Phòng khoảng 110km. Đảo có vị trí chiến lược đặc biệt về quốc phòng, an ninh cũng như phát triển kinh tế biển. Do tầm quan trọng của đảo, ngày 18/11/1992, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định về việc thành lập huyện Bạch Long Vỹ thuộc thành phố Hải Phòng.
Sau các quyết định của Chính phủ và Thành ủy Hải Phòng liên quan đến thành lập Ủy ban nhân dân huyện Bạch Long Vỹ, ngày 25/3/1993, đội ngũ cán bộ huyện lâm thời đều là thanh niên xung phong bắt đầu từ đất liền đi tàu HQ 675 của vùng I Hải quân ra đảo làm nhiệm vụ. Sau 26 tiếng đồng hồ trên biển, tàu cập đảo. Khi đó, đảo còn hoang hóa, chưa có các công trình hạ tầng dân sinh, mọi nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống đều phụ thuộc vào đất liền, phương tiện giao thông phục vụ đi lại, vận chuyển giữa đất liền với đảo rất khó khăn.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bạch Long Vỹ Trần Quang Tường cho biết, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thành phố, Đảng bộ, chính quyền quân và dân đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ để xây dựng huyện đảo phát triển. Trên đảo đã hình thành khu hành chính, trung tâm y tế, trường học, công viên, khu dân cư. Khu vực âu cảng được xây dựng để phục vụ tàu thuyền neo đậu, tránh trú bão. Trên đảo có hàng trăm ha rừng. Việc di chuyển giữa Bạch Long Vỹ và đất liền đã thuận tiện hơn nhiều, chỉ mất hơn 6 tiếng đồng hồ nếu đi bằng tàu Hoa Phượng Đỏ (tàu thuộc dự án đóng mới tàu thủy chở khách và hàng hóa ra đảo Bạch Long Vỹ). Thay đổi quan trọng nhất trên đảo đó là đã có đủ điện, nước ngọt phục vụ các đơn vị hành chính, lực lượng vũ trang, nhân dân, ngư dân sinh hoạt, làm việc, phát triển kinh tế.
Đất liền có gì, đảo có nấy
Sáng sớm, đảo Bạch Long Vỹ thức dậy với tiếng nhạc và tiếng hô tập earobic của phụ nữ. Ở tuyến đường trung tâm của huyện đảo, ngư dân và cư dân ghé các quán để ăn sáng, uống cà phế, mua, bán đồ thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày. Các sạp hàng ở đây có đầy đủ từ bánh mì, rau xanh, thịt lợn đến hóa mỹ phẩm. Hơn tất cả, điều mà bất cứ người dân nào cũng hào hứng kể đó chính là được sử dụng nguồn nước ngọt ổn định.
Anh Nguyễn Hoàng Hưng, cụm dân cư số 3, huyện Bạch Long Vỹ cho biết, trước đây, nước ngọt chủ yếu lấy từ giếng khoan hoặc nguồn nước mưa tự nhiên. Đến mùa khô, nguồn nước cạn kiệt, người dân trên đảo sinh hoạt rất khó khăn. Thiếu nước còn làm cho việc việc thu mua, chế biến, bảo quản hải sản khó khăn, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của các gia đình. Từ khi trạm nước sạch đi vào hoạt động, người dân có đủ nguồn nước phục vụ mọi nhu cầu.
Nguồn nước ngọt trên đảo được tích trữ trong hồ chứa, công trình do Tổng đội Thanh niên xung phong Hải Phòng là chủ đầu tư. Tháng 7/2020, dự án hoàn thành với quy mô hồ chứa 60 nghìn mét khối trên diện tích 40 nghìn mét vuông, bước đầu đáp ứng nhu cầu nước thô cho người dân. Tháng 3/2022, thành phố Hải Phòng khởi công tiếp dự án cấp nước sạch và khánh thành trạm cấp nước Bạch Long Vỹ vào tháng 4/2022.
Anh Phạm Văn Hiển, Tổ trưởng Tổ vận hành Trạm cấp nước Bạch Long Vỹ cho biết, nước ngọt từ hồ chứa sẽ được xử lý qua trạm cấp nước để có nước đạt tiêu chuẩn cung cấp đến từng hộ dân và các cơ quan, đơn vị trên đảo, khắc phục cơ bản tình trạng thiếu nước ngọt triền miên từ trước đến nay.
Hệ thống điện trên huyện đảo cũng đã đảm bảo được nhu cầu của người dân. Nguồn điện phục vụ sinh hoạt trên đảo đến từ dự án cấp điện cho đảo Bạch Long Vỹ do Tổng Công ty Điện lực miền Bắc là chủ đầu tư. Hiện có 1 tua bin gió và 1 trang trại điện mặt trời đang hoạt động và cung cấp điện liên tục. Việc cung ứng điện ổn định cũng sẽ góp phần tạo động lực phục vụ phát triển kinh tế biển, hoạt động du lịch biển, đáp ứng điều kiện để Bạch Long Vỹ trở thành trung tâm chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn cho các tỉnh ven biển Bắc Bộ.