Hiệu quả liên kết theo chuỗi giá trị
Từ năm 2018 đến nay, Yên Bái luôn duy trì độ che phủ rừng đạt 63% trở lên, xếp thứ tư cả nước, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác hàng năm đạt gần 700.000 m3, đứng đầu các tỉnh miền núi phía Bắc, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 500 cơ sở chế biến lâm sản, tốc độ tăng trưởng ngành lâm nghiệp liên tục tăng, giá trị toàn ngành đạt trên 2.000 tỷ đồng năm 2021.
Để đạt được kết quả này, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều cơ chế, giải pháp để phát triển lĩnh vực lâm nghiệp, như: giao đất, giao rừng và khoán bảo vệ rừng; quy hoạch, phân định 3 loại rừng; đổi mới cơ chế, mô hình quản lý trong lĩnh vực lâm nghiệp; hỗ trợ phát triển hạ tầng và chuyển giao khoa học kỹ thuật; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia trồng rừng...; trong đó, giải pháp trồng rừng nguyên liệu gắn với chế biến sâu, theo mô hình liên kết chuỗi giá trị được xem là khâu đột phá, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo độ che phủ rừng bền vững.
Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, trong những năm qua, Yên Bái đã thực hiện chính sách ưu đãi về đất đai, hạ tầng, tín dụng, thủ tục hành chính…để thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp theo hướng liên kết với các hộ dân trồng rừng để chế biến lâm sản theo chuỗi giá trị.
Đến nay, Yên Bái từng bước hình thành các cụm công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu chế biến lâm sản, công nghệ cao, tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.
Được coi là “thủ phủ” của cây quế Yên Bái và cả nước, huyện Văn Yên hiện có gần 50 nghìn ha quế được trồng trên đất rừng sản xuất, người trồng quế nơi đây có thu nhập trên 700 tỷ đồng mỗi năm, mô hình liên kết giữa người dân với doanh nghiệp chế biến phát huy hiệu quả kinh tế cao, phần lớn đất rừng sản xuất được chuyển sang trồng quế với sự hỗ trợ giống, phân bón từ doanh nghiệp và được thu mua sản phẩm theo giá thị trường.
Ông Hà Đức Anh, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ, nhờ cơ chế sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đã thu hút nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại, chế biến sâu vào địa bàn huyện, giờ đây quế được chế biến thành tinh dầu, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm có giá trị kinh tế cao. Đến nay, trên địa bàn huyện không còn hiện tượng đất trống đồi núi trọc, người trồng quế có thu nhập ngày càng cao, quế từ cây xóa đói giảm nghèo, trở thành cây làm giàu cho người dân.
Ngoài 1.300 ha cây thảo quả trồng dưới tán rừng, toàn tỉnh Yên Bái có trên 3.400 ha cây dược liệu, cho sản lượng khai thác hằng năm đạt trên 7.600 tấn sản phẩm, người dân trồng dược liệu có thu nhập hàng 100 tỷ đồng mỗi năm. Hiện nay, cây dược liệu đã trở thành rừng dược liệu, thay thế cây lâm nghiệp có giá trị thấp, hình thành vùng dược liệu có quy mô lớn như đương quy, sa nhân, hoài sơn, lá khôi tía, đẳng sâm, giảo cổ lam, trà hoa vàng...
Ông Đỗ Bảo Long, Giám đốc Hợp tác xã dược liệu Lũng Lô chia sẻ, hợp tác xã ký hợp đồng lâu dài với nông dân có đất rừng sản xuất, chịu trách nhiệm cung ứng giống, phân bón, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm thô cho người dân theo giá thị trường. Người dân chuyên sâu vào thâm canh, chăm sóc theo hướng dẫn của hợp tác xã. Mô hình liên kết đã tạo việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống cho người dân và gia tăng độ che phủ rừng bền vững.
Phát triển rừng bền vững
Quy hoạch trồng rừng nguyên liệu gắn với chế biến sâu, theo mô hình liên kết chuỗi giá trị đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh cao có quy mô lớn đã thúc đẩy, tạo động lực để Yên Bái trồng mới thay thế trên 15.000 ha rừng các loại mỗi năm, chất lượng rừng liên tục được nâng lên, góp phần quan trọng duy trì nguồn sinh thủy, bảo vệ môi trường sinh thái.
Ông Kiều Tư Giang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Yên Bái cho biết, hiện nay phần lớn người dân vùng miền núi đã sống được bằng nghề trồng rừng nguyên liệu nhờ giá trị rừng được nâng cao. Không còn đất rừng sản xuất bị bỏ hoang hóa, năng suất và chất lượng rừng được cải thiện đáng kể nhờ đa dạng hóa cây trồng, tận dụng tối đa tầng tán và thâm canh chất lượng cao trên một đơn vị diện tích. Ngoài ra, người trồng rừng còn được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng và quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC.
Chất lượng rừng được nâng lên nhờ mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, đến nay tỉnh Yên Bái đã hình thành và duy trì hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung, tiêu biểu như gần 100 nghìn ha rừng trồng keo, bồ đề, bạch đàn; gần 80 nghìn ha vùng trồng quế; trên 6,5 nghìn ha vùng trồng tre măng Bát độ; trên 10 nghìn ha vùng trồng cây Sơn tra; trên 7,5 nghìn ha vùng trồng chè; gần 3,5 nghìn ha vùng trồng cây dược liệu...
Ông Đào Công Trình, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu cho biết, phát triển rừng sản xuất bằng các loại cây nguyên liệu có giá trị kinh tế cao là một trong những giải pháp phát triển rừng hiệu quả và bền vững nhất. Bên cạnh việc bảo vệ và chăm sóc rừng phòng hộ, rừng đặc đụng, huyện Trạm Tấu đang khuyến khích người dân trồng các loại cây thảo dược dưới tán rừng, vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa nâng cao chất lượng rừng.
Nhờ đó, trên 200 nghìn ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng của Yên Bái được bảo vệ tốt, đã giảm đáng kể hiện tượng xâm lấn, phá rừng. Các loại cây bản địa và các loại cây thảo dược trồng dưới tán rừng được trồng bổ sung hằng năm, đảm bảo các tiêu chí về chất lượng rừng theo quy định.
Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị rừng trồng, tỉnh Yên Bái đã xây dựng "chính sách hỗ trợ phát triển rừng trồng nguyên liệu theo hướng bền vững” giúp các hộ gia đình tham gia trồng rừng sản xuất theo hướng quản lý FSC (tiêu chuẩn tự nguyện nhằm hỗ trợ quản lý rừng có trách nhiệm trên phạm vi toàn cầu). Đến nay, tỉnh có hơn 12.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng FSC, dự kiến trong bốn năm tới, Yên Bái sẽ có khoảng 100.000 ha rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC.
Ông Đinh Đăng Luận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, khi chất lượng rừng được nâng lên đạt tiêu chuẩn theo quy định, người trồng rừng sẽ được hưởng lợi từ việc cấp chứng chỉ rừng FSC và dịch vụ môi trường rừng. Đây thực sự trở thành nguồn tài chính quan trọng, hỗ trợ lâu dài, ổn định cho chủ rừng, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, giảm áp lực chi ngân sách nhà nước.
Giải pháp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trồng rừng tại Yên Bái đã và đang là khâu đột phá, mở ra hướng đi đúng đắn trong việc duy trì vững chắc độ che phủ rừng, tạo động lực thúc đẩy đổi mới công nghệ chế biến và nâng cao giá trị kinh tế lâm sản, nhằm hướng tới mục tiêu sớm đưa Yên Bái trở thành trung tâm chế biến, xuất khẩu lâm sản của vùng trung du và miền núi phía Bắc trong thời gian tới.