Tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện nhiều chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số tại hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.
Khánh Sơn là huyện miền núi nghèo nhất, xa nhất của tỉnh Khánh Hòa. Phần đông dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Với số vốn được đầu tư trong năm 2023 từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, huyện Khánh Sơn tập trung vào các công trình trọng điểm và quyết tâm thực hiện mục tiêu đến năm 2025 thoát khỏi huyện nghèo, năm 2030 sẽ thành đô thị sinh thái núi rừng.
Huyện Khánh Sơn đầu tư xây dựng với các công trình thiết yếu với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng; trong đó Dự án Kè chống sạt lở sông Tô Hạp khởi công vào cuối năm 2022, dự kiến hoàn thành trước mùa mưa năm nay.
Theo lãnh đạo UBND huyện Khánh Sơn, đối với việc đầu tư xây dựng đường liên xã từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, sau khi các con đường hoàn thành sẽ giúp diện mạo nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi rất lớn. Xe chở hàng hóa có thể lưu thông đến tận vườn sản xuất của người dân để thu mua nông sản thay vì người dân mang đến điểm tập kết, dễ bị ép giá bán.
Các dự án này làm thay đổi toàn diện để phát triển kinh tế - xã hội- văn hóa trên địa bàn huyện, nhiều dự án có tính chất liên kết vùng và phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Từ đây, góp phần nâng cao đời sống của dồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Khánh Sơn, giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Tại huyện miền núi Khánh Vĩnh, trong năm 2023, phấn đấu mức giảm tỷ lệ nghèo đa chiều đạt 8,06% (đưa số hộ nghèo đầu năm 2023 là 4.211 hộ xuống còn 3.344 hộ vào cuối năm). Huyện phấn đấu đến cuối năm 2023, số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới bình quân chung của toàn huyện 13,23 tiêu chí/xã.
Năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư cho các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh là trên 152 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn phân cấp và vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia như Giảm nghèo bền vững, Xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025
Lãnh đạo UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, đến nay, một số dự án trọng tâm, trọng điểm của huyện đã triển khai theo kế hoạch. Đồng thời, UBND huyện tiếp tục xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế địa phương theo hướng hệ thống đô thị theo hướng thông minh, bền vững, bảo vệ môi trường.
Để phát triển huyện miền núi theo Nghị quyết 09 –NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Nghị quyết của Trung ương và địa phương, tỉnh sử dụng ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Mục tiêu của Khánh Hòa là đến năm 2025, mức thu nhập của người dân tộc thiểu số tăng hơn 2 lần so với năm 2020, đạt mức hơn 28 triệu đồng/người/năm; hơn 90% số hộ thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất sẽ được giải quyết; hệ thống cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội...
Tỉnh giao các địa phương khẩn trương rà soát lại số hộ nghèo không thể thoát nghèo (đối tượng bảo trợ xã hội, bệnh tật, neo đơn…) để tách riêng và có chính sách hỗ trợ thường xuyên; giao nhiệm vụ cụ thể cho các đoàn thể trong tỉnh trong vận động người dân tham gia các chính sách tạo việc làm; rà soát và chỉ đạo cấp xã xây dựng kế hoạch hành động về giảm nghèo đảm bảo chi tiết, cụ thể, phù hợp cho từng địa phương.
Khánh Hòa hướng đến mục tiêu đến năm 2025, hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh không còn hộ nghèo, thoát khỏi huyện nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị.