Phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Tỉnh Bình Phước phát triển mô hình hợp tác xã theo chuỗi giá trị, giúp sản xuất phát triển ổn định, tạo liên kết, quy mô lớn, tăng lợi thế cho người nông dân.

Theo đại diện UBND tỉnh Bình Phước, trên địa bàn tỉnh có 3 huyện biên giới, 5 xã, với 25 thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó, huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập là hai huyện vùng sâu, vùng xa, có nhiều thành phần dân tộc thiểu số sinh sống.

Chú thích ảnh
Công nhân đóng gói hạt điều tại Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Đức Thịnh
(tại xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng). Ảnh: K GỬIH/TTXVN

Nông và lâm nghiệp là ngành sản xuất chính tại hai địa phương này, nhưng còn chậm phát triển, chưa thu hút được các nhà đầu tư; nhiều nơi còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự cung tự cấp; cơ sở hạ tầng , cơ sở vật chất, kỹ thuật còn nghèo nàn, lạc hậu.

Vì vậy, nhu cầu hợp tác sản xuất kinh doanh nông, lâm nghiệp giữa các hộ gia đình tại địa phương đã và đang trở thành nhu cầu cần thiết để cải thiện thu nhập trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành đề án phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh năm 2023, là hoạt động triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tỉnh phát triển mô hình hợp tác xã theo chuỗi giá trị giúp sản xuất phát triển ổn định, tạo liên kết, quy mô lớn, tăng lợi thế cho người nông dân bằng việc hạ giá thành sản phẩm đầu vào và nâng cao chất lượng, thương hiệu và giá trị sản phẩm đầu ra.

Đề án hướng đến là đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn các nghiệp vụ, chuyên môn về hoạt động quản lý điều hành, sản xuất kinh doanh, thị trường cho 100% cán bộ quản lý, điều hành của Hợp tác xã nông nghiệp Bù Gia Mập, Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đồng Nai và các hợp tác xã trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bước đầu, xây dựng vùng nguyên liệu điều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ của Hợp tác xã nông nghiệp Bù Gia Mập và Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đồng Nai; xây dựng sản phẩm giúp hai hợp tác xã này được chứng nhận sản phẩm OCOP; hỗ trợ tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử.

Các đơn vị, địa phương nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí, lợi ích của phát triển mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị, đặc biệt trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay cũng như đứng trước nhiều ảnh hưởng, nguy cơ của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tại các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập.

Các đơn vị, địa phương thực hiện tuyên truyền kế hoạch phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã, hỗ trợ xây dựng và triển khai các kế hoạch, dự án liên kết cho Hợp tác xã nông nghiệp Bù Gia Mập và Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đồng Nai; hỗ trợ các hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử và dự án “chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”; xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất điều theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, tổ chức khảo sát thông tin đánh giá khả năng phát triển vùng nguyên liệu; từng bước cải tạo các giống điều có năng suất chất lượng cao, đủ điều kiện xuất khẩu.

Bình Phước là tỉnh có dân số hơn 1 triệu người; trong đó, 20% là đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh được xem là “thủ phủ” điều của cả nước, khi chiếm hơn 50% diện tích và hơn 50% sản lượng điều của Việt Nam (diện tích cây điều Bình Phước gần 152.000 ha, sản lượng 170.000 tấn). Cây điều chính là “cây xóa đói giảm nghèo” của đồng bào dân tộc Bình Phước.

PV
Bình Phước: Giúp đồng bào vùng biên khó khăn về nhà ổn định đời sống
Bình Phước: Giúp đồng bào vùng biên khó khăn về nhà ổn định đời sống

Nhiều hộ dân được thụ hưởng nhà rất phấn khởi khi có căn nhà mới kiên cố, khang trang, yên tâm sản xuất, thoát nghèo bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN