Phát huy vai trò của khoa học- công nghệ, tạo động lực phát triển bền vững

Theo ông Nguyễn Duy Anh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ: Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh Phú Thọ xác định mục tiêu xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, trong đó khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là động lực để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh trong phát triển kinh tế - xã hội, là công cụ quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều định hướng chỉ đạo, cơ chế, chính sách, quản lý quan trọng cho phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) và đổi mới sáng tạo của tỉnh.

Từ những định hướng của tỉnh, bằng việc cụ thể hóa các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan để áp dụng vào thực tế phù hợp với đặc thù của tỉnh. Qua đó, đầu tư ngân sách cho hoạt động KH&CN hằng năm được nâng lên (riêng hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ gần 300 tỉ đồng) góp phần thúc đẩy nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh. Mạng lưới hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh không ngừng được tăng cường và củng cố.

Chú thích ảnh
Các em học sinh quét mã QR để tìm hiểu về các hiện vật đang được trưng bày tại Bảo tảng Hùng Vương thông qua ứng dụng thuyết minh tự động. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Kết quả các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống đã có những đóng góp tích cực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổng số nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước, cấp tỉnh là 287 nhiệm vụ, với tổng kinh phí thực hiện là trên 375 tỷ đồng, tập trung vào 8 chương trình trọng tâm.

Qua đó, đã chuyển giao ứng dụng được trên 200 quy trình công nghệ và trên 1.000 lượt người dân được đào tạo tập huấn, tạo sự gắn kết giữa người dân và doanh nghiệp hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất và thương mại hóa, góp phần quan trọng thúc đẩy, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh các sản phẩm chủ lực, sản phẩm khuyến khích phát triển của tỉnh trong thời gian qua như: Phát triển các sản phẩm chè, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất rau, hoa quả an toàn theo hướng ứng dụng công nghệ cao, san xuất và chế biến dược liệu, phát triển các sản phẩm OCOP,...

Bên cạnh đó, nhiều kết quả trong các lĩnh vực y tế chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, lĩnh vực phục vụ phát triển công nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, khoa học xã hội và nhân văn, bảo vệ môi trường đã được phát huy, phục vụ có hiệu quả công tác quản lý nhà nước, cung cấp nhiều luận cứ quan trọng phục vụ công tác định hướng, chỉ đạo điều hành.

Hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện đổi mới công nghệ được quan tâm thường xuyên với số tiền gần 34 tỉ đồng được hỗ trợ đã góp phần thúc đẩy khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Chú thích ảnh
Triển khai mô hình "Giờ học lịch sử" tại Bảo tàng Hùng Vương. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh, nhằm nâng cao nhận thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, định hướng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Phú Thọ, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các tỉnh miền núi phía Bắc, quy tụ 30 Startup tiêu biểu nhất của vùng, các chuyên gia, quỹ đầu tư, các nhà quản lý. Tổ chức nhiều hoạt động nhằm tìm kiếm, khuyến khích, thúc đẩy sự phát triển của những ý tưởng, dự án, sản phẩm, mô hình kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp mang tính đổi mới sáng tạo, có khả năng tăng trưởng dựa trên việc khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. 

Cùng với việc hoàn thiện chính sách pháp luật cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thì việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ được đẩy mạnh. Việc thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ được quan tâm triển khai phù hợp với điều kiện thực tế thông qua nhiều đề án, đề cao vai trò của doanh nghiệp trong việc kết nối giữa sản xuất với thị trường; khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp liên kết với nông dân theo phương thức ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Công tác xác lập, quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ về sở hữu trí tuệ được đẩy mạnh. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của nhiều tổ chức, cá nhân về tầm quan trọng của việc xác lập, phát huy và bảo vệ tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Chú thích ảnh
Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.

Đến nay, đã có 38 sản phẩm được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ dưới các hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. Công tác sáng kiến đã góp phần thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, khuyến khích các tổ chức, cá nhân mạnh dạn phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật và đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các sáng kiến vào trong thực tế công tác. Đã có trên 4.000 sáng kiến cấp cơ sở và gần 200 sáng kiến cấp tỉnh được công nhận. 

Để tiếp tục có những định hướng mới cho sự phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp trong giai đoạn tới, ngày 2/8/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 76-NQTU về thực hiện Chương trình phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2030; ngày 9/8/2022, UBND tỉnh ban hành Chương trình số 3079/CTr-UBND về Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2030.

Nghị quyết và Chương trình đã đưa ra những giải pháp lớn, quan trọng để thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đó là: Đổi mới cơ chế hoạt động, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; huy động nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phát triển và khai thác có hiệu quả hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có trình độ và năng lực sáng tạo cao; phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức khoa học và công nghệ khác trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh; phát triển thị trường khoa học và công nghệ; đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, liên kết với hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế về khoa học và công nghệ; tăng cường hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. 

PV
Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Thủ đô - Techfest Hanoi 2023
Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Thủ đô - Techfest Hanoi 2023

UBND thành phố Hà Nội có kế hoạch tổ chức “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Thủ đô - Techfest Hanoi 2023”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN