Quần đảo Cát Bà. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Khát vọng vươn mình ra biển lớn
Tiến sĩ Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng chia sẻ, thành phố không chỉ được biết đến với những tên gọi thân quen như thành phố Cảng, thành phố Hoa Phượng Đỏ, thành phố Công nghiệp, nơi đây còn nổi tiếng là mảnh đất “địa linh - nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hóa - lịch sử.
Ra đời và phát triển trên nền tảng một vùng đất có bề dày lịch sử lâu đời, có vị trí chiến lược trong tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta, các thế hệ người Hải Phòng đã góp phần quan trọng bồi đắp, tỏa sáng bản sắc văn hóa Việt Nam, đồng thời tạo dựng bản sắc văn hóa riêng của cư dân miền biển phía Đông đồng bằng Bắc Bộ. Theo Tiến sĩ Trần Thị Hoàng Mai, đó là sự cần cù, sáng tạo trong lao động; bám biển, luôn luôn thích ứng và khai thác các nguồn lợi biển để dựng xây cuộc sống, luôn có khát vọng vươn mình ra biển lớn; là sự dũng mãnh, kiên cường, phóng khoáng, chất phác, giản dị, trọng nghĩa, có tinh thần dân chủ cao; có tinh thần yêu nước nồng nàn và luôn đi đầu trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta; trong thời đại Hồ Chí Minh đã kế thừa, kết tinh, tỏa sáng truyền thống “Trung dũng - Quyết thắng”, chủ động, năng động, sáng tạo của thành phố Cảng anh hùng.
Tiến sĩ Đoàn Trường Sơn, Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng cho rằng, miền đất Hải Phòng hội tụ các hình thái đồi, núi, sông ngòi, đồng bằng, biển và hải đảo, luôn có những biến đổi sâu sắc trong suốt hàng nghìn năm lịch sử. Nổi bật, khi đảo Cát Hải - Cát Bà còn gắn với đất liền, biển ở xa, người nguyên thủy đã có mặt nơi rừng núi này. Hiện tại, các nhà khảo cổ đã phát hiện tại Hải Phòng có 4 di chỉ khảo cổ quốc gia là: Cái Bèo - Tràng Kênh - Việt Khê - Núi Voi, minh chứng cho quá trình xuất hiện, phát triển của người Việt cổ, từ sơ kỳ đồ đá đến thời đại kim khí, khoảng 6.000 đến 2.000 năm trước. Đây cũng là thời các Vua Hùng dựng nước.
Do những biến cố lớn trong lịch sử, xã hội, tự nhiên và công cuộc khai hoang lấn biển, biển lùi đến đâu, phù sa bồi đắp đến đâu là người Hải Phòng tiến đến đó. Tinh thần ấy, ý chí ấy đã trở thành truyền thống của các thế hệ người Hải Phòng cho đến hiện nay.
Cũng theo Tiến sĩ Đoàn Trường Sơn, trong thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, với vị trí cửa ngõ, khu vực Hải Phòng đã có những cuộc giao lưu và đụng độ Bắc thuộc sớm nhất, quyết liệt nhất... Tiếp đó, Hải Phòng có Dương Kinh (kinh đô hướng biển của nhà Mạc, thế kỷ XVI), có tiền cảng Domea thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII - XVIII). Thời cận đại, ngày 19/7/1888, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập Hội đồng thành phố của các thành phố Hà Nội và Hải Phòng, chính thức khẳng định Hà Nội, Hải Phòng cùng thành phố Sài Gòn là những thành phố loại I, đứng đầu của toàn Đông Dương. Vai trò đô thị - cảng biển quốc tế Hải Phòng đã dần trở thành thời kỳ phát triển mới theo tiến trình lịch sử đất nước.
Cùng với công cuộc mở mang đồng đất, tạo dựng cuộc sống, Hải Phòng còn có những trang lịch sử hào hùng trong chống giặc ngoại xâm và cường quyền. Từ sau ngày giải phóng (13/5/1955), Hải Phòng là một trong những địa phương luôn trăn trở, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, vượt khó, vươn lên. Tiêu biểu là nơi xuất phát các phong trào thi đua xây dựng Tổ đội Lao động xã hội chủ nghĩa, “Sóng Duyên hải”, sáng tạo cơ chế khoán mới trong nông nghiệp, xác định hướng vươn ra biển, xây dựng thành phố Cảng văn minh, hiện đại...
Sức mạnh nội sinh của hệ giá trị văn hóa
Theo Tiến sĩ Trần Thị Hoàng Mai, việc khơi dậy và phát huy sức mạnh nội sinh của hệ giá trị văn hóa, con người Hải Phòng vừa là mục tiêu, vừa là động lực để xây dựng và phát triển thành phố nhanh, bền vững trong thời kỳ cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển bứt phá của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tại Hội thảo "Phát huy bản sắc văn hóa, con người Hải Phòng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển thành phố và đất nước" do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng tổ chức mới đây, Tiến sĩ Nguyễn Hoài Phương, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, thực hiện chiến lược xây dựng các ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới, thành phố Hải Phòng tập trung triển khai thực hiện theo hướng có trọng tâm, có lộ trình thích hợp các giải pháp chính như: khuyến khích phối hợp đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; tiếp tục đẩy nhanh đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa - xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch; phối hợp xúc tiến quảng bá điểm đến, xây dựng thương hiệu du lịch thông qua việc quảng bá hình ảnh du lịch của thành phố; xây dựng các chương trình (tour) du lịch điển hình; kết nối các sự kiện, lễ hội của thành phố với các địa phương để tạo ra chuỗi sự kiện du lịch thu hút, tận dụng tối đa các nguồn khách.
Cùng với đó, Hải Phòng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ở Trung ương, với các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông, hàng không, doanh nghiệp lữ hành lớn để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch đến với du khách trong nước và ngoài nước; tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống các dân tộc trong thành phố, kết hợp với các loại hình nghệ thuật đương đại, tạo ra nhiều tác phẩm đặc trưng, độc đáo của văn hóa địa phương và mang tính chuyên nghiệp. Thành phố quy hoạch và xây dựng các công trình mỹ thuật công cộng, phục vụ dân sinh cảnh quan kiến trúc có giá trị thẩm mỹ và bản sắc; phát triển mỹ thuật công nghiệp, mỹ thuật ứng dụng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường.
Với nguồn lực di sản văn hóa đô thị phong phú, Hải Phòng có tiềm năng để xây dựng các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, tạo ra động lực phát triển kinh tế-xã hội của thành phố trong thời đại mới, kỷ nguyên mà văn hóa được chú trọng, đề cao, không chỉ là động lực mà còn là mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng thành công các ngành công nghiệp văn hóa không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế-xã hội, mà còn nâng tầm vị thế của Hải Phòng trong mối quan hệ với các tỉnh, thành phố trong nước, khu vực và trên thế giới.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Tung, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của toàn cầu hóa trên nền tảng cách mạng công nghiệp mới, lối sống nói riêng và toàn bộ đời sống văn hóa Hải Phòng chắc chắn có nhiều biến đổi nhanh chóng và sâu sắc. Việc nghiên cứu và chủ động định hướng phát triển, lan tỏa, củng cố một số xu hướng lối sống tích cực, hiện đại, văn minh và lành mạnh là tất yếu và vô cùng bức thiết; cần tiếp tục phát huy những nét đẹp truyền thống của đất và người Hải Phòng; phát triển những xu hướng lối sống hiện đại, văn minh; hướng tới một bản sắc văn hóa, lối sống Hải Phòng trong kỷ nguyên mới.