Bài 2: “Giữ lửa” cải cách hành chính
“Để tạo đột phá về cải cách hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, thời gian qua, Phú Thọ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là chú trọng cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa nền hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ”. Đó là chia sẻ của ông Trịnh Thế Truyền - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ.
Hành trình lâu dài
Không chỉ từ năm 2020, khi bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 61-NQ/TU ngày 13/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về “Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025”, mà cải cách hành chính luôn là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Phú Thọ trong suốt nhiều năm qua.
UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đã chủ động thực hiện việc rà soát, đánh giá để phát hiện thủ tục hành chính, quy định hành chính không cần thiết, không phù hợp, là “rào cản” gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân để kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, thay thế, bãi bỏ hoặc rút ngắn thời gian thực hiện.
Chỉ tính từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với 71 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của tỉnh trong các lĩnh vực tư pháp, nông nghiệp và nông thôn, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, công thương, ngoại vụ, khoa học và công nghệ, văn hóa - thể thao và du lịch. Cùng với đó, tỉnh công bố mới và thay thế 1.220 thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung 581 thủ tục hành chính; bãi bỏ 108 thủ tục hành chính không còn phù hợp thực tiễn tại địa phương…
Tất cả các quyết định công bố thủ tục hành chính đều công khai, được đăng tải trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và Cổng Thông tin điện tử tỉnh. Trong đó, đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính về đầu tư là Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở đã rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính đối với 11/51 thủ tục. Giảm mạnh nhất là thời gian thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định từ 40 ngày xuống còn 30 ngày, giảm 10 ngày so với quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đặc biệt, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh luôn đạt kết quả cao và là “đột phá” trong công tác cải cách hành chính, giúp ngăn ngừa các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.
Triển khai xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số bài bản, có trọng tâm trọng điểm, Phú Thọ đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết theo hình thức trực tuyến toàn tỉnh 74,76%, tăng 16,41 so với năm 2022. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến toàn trình là 667 dịch vụ, đạt 33,26%.
Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2022 Phú Thọ xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; trong đó xếp thứ 1/63 tỉnh, thành phố ở chỉ số thành phần Cải cách chế độ công vụ. Cũng trong năm 2022, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Cải cách Hành chính Chính phủ, Phú Thọ xếp thứ 8 cả nước về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS), tăng 5 bậc so với năm 2021 và xếp thứ 2 khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ; là 1 trong 5 địa phương có mức độ hài lòng đối với việc cơ quan tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị cao nhất cả nước.
Đây cũng năm thứ 5 liên tiếp Phú Thọ tăng bậc trên bảng xếp hạng này. Theo báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2022, Phú Thọ đứng thứ 10/61 tỉnh, thành phố và dẫn đầu trong 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.
Phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có thể thấy điểm số PCI của Phú Thọ kể từ năm 2016 đến năm 2022 có xu hướng tăng tích cực. Riêng năm 2022, Phú Thọ đạt 66.30 điểm - số điểm cao nhất từ trước đến nay, xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trọng thực chất, tránh hình thức
Dù đạt nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên sau mỗi kỳ công bố kết quả PCI, PAR INDEX Phú Thọ đều phân tích chuyên sâu những thành công, hạn chế, đưa ra những cách làm hay, giải pháp tốt nhằm tiếp tục phát huy, thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, các chỉ số giảm điểm và giảm hạng, chỉ rõ đâu là điểm nghẽn, phân tích nguyên nhân cụ thể, gắn trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan, đơn vị để đưa ra giải pháp khắc phục một cách hiệu quả, thực chất để tạo dựng niềm tin của nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp.
Tinh thần cải cách được lan tỏa đến các cấp sở, ngành, địa phương với phương châm “lấy sự hài lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư làm thước đo hiệu quả công việc”. Đơn cử như tại huyện Tam Nông, thời điểm đầu khi mới bắt tay triển khai dịch vụ công trực tuyến gặp nhiều khó khăn, do đây là nhiệm vụ mới và khó, khó không chỉ với doanh nghiệp, người dân mà cả với đội ngũ cán bộ. Thế nhưng, huyện xác định khó không có nghĩa là không làm, mà làm lại càng phải kiên quyết hơn mới đạt hiệu quả.
Đặc biệt, không để số hồ sơ trực tuyến chỉ là “con số báo cáo”, huyện yêu cầu đội ngũ công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa các cấp phải cầm tay chỉ việc, hướng dẫn doanh nghiệp, người dân từng thao tác chứ không được làm thay. Mục tiêu huyện hướng đến là doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin, giấy tờ một lần.
Với tinh thần đó, huyện đã tự đầu tư trang thiết bị hiện đại để phục vụ công việc; xây dựng Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả ở 12 xã, thị trấn khang trang; tổ chức nhiều cuộc tập huấn cho đội ngũ cán bộ; đồng thời chú trọng công tác kiểm tra, giám sát.
Ông Nguyễn Anh Thắng - Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Tam Nông cho biết: Với phương châm đổi mới tư duy từ nền “hành chính quản lý” sang “hành chính phục vụ”, xây dựng chính quyền đồng hành, phục vụ, hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân, huyện Tam Nông đã thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông”, tăng cường giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và số hoá hồ sơ. Đồng thời, chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, trách nhiệm, đạo đức công vụ, tinh thần làm việc và văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhất là đối với cán bộ tại bộ phận “một cửa”, “một cửa hiện đại” cấp huyện, cấp xã. Song song với đó, huyện thực hiện nghiêm việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm quy trình, thời gian, các loại giấy tờ không cần thiết, nhất là là các thủ tục thuộc lĩnh vực về đất đai, giải phóng mặt bằng…
Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn huyện Tam Nông tiếp nhận 10.251 hồ sơ của công dân đề nghị giải quyết thủ tục hành chính. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết theo hình thức trực tuyến cấp huyện đạt trên 90%, cấp xã đạt trên 60%.
Từ tháng 7/2023, huyện đã triển khai ứng dụng quyết mã QR đặt tại UBND huyện và 100% UBND các xã, thị trấn để tra cứu danh mục thủ tục hành chính một cách dễ dàng. Huyện cũng duy trì hoạt động của các tổ hỗ trợ cho cán bộ cấp xã nâng cao trình độ giải quyết hồ sơ trực tuyến và số hoá hồ sơ.
Với những cách làm quyết liệt, Tam Nông là một trong số địa phương đứng đầu trong khối các huyện, thành, thị về chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Ông Dương Văn Chanh - xã Hương Nộn, huyện Tam Nông chia sẻ: "Quét mã QR Danh mục thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường là có thể nhanh chóng tìm thấy thủ tục để sang nhượng đất đai mà tôi đang cần. Chỉ với thiết bị điện thoại thông minh, tôi có thể dễ dàng gửi hồ sơ và theo dõi quá trình xử lý hồ sơ trực tuyến. Tôi rất hài lòng về sự phục vụ của chính quyền hiện nay.
Để “lửa” cải cách hành chính được duy trì, hằng năm, UBND tỉnh tiến hành việc đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động đối với 20 sở, ban, ngành, 13 UBND cấp huyện, 5 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh và 8 cơ quan trung ương tổ chức theo ngành dọc. Trong đó đánh giá Chỉ số cải cách hành chính đối với 20 sở, ban, ngành và 13 UBND huyện, thành, thị. Từ đó kịp thời nắm bắt thực tế, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính và hiệu quả của công tác cải cách hành chính của tỉnh".
Ông Đàm Đắc Tiến - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh chia sẻ: "Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao quyết tâm chính trị của tỉnh khi triển khai khảo sát và đánh giá thực chất chất lượng giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, bên cạnh những kết quả tích cực, tỉnh đã trực tiếp chỉ rõ những điểm hạn chế, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu sở, ban, ngành, địa phương trong công tác cải cách.
Điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy công tác cải cách hành chính trong tỉnh ngày càng mạnh mẽ, đi vào thực chất, giúp cải thiện mối quan hệ giữa doanh nghiệp với các cơ quan Nhà nước, tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực, dự án. Cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi sẽ ngày càng có thêm nhiều thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhờ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của tỉnh trong công tác giải quyết thủ tục hành chính, từ đó tiếp tục đồng hành cùng tỉnh trên mọi chặng đường phát triển".
Bài cuối: Sát cánh khi doanh nghiệp gặp khó