Bài cuối: Sát cánh khi doanh nghiệp gặp khó
“Xác định sức hấp dẫn của môi trường đầu tư nằm ở chính các doanh nghiệp đầu tư thành công tại tỉnh, tạo nên động lực thu hút các doanh nghiệp khác, Phú Thọ luôn quan tâm hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, tiếp cận vay vốn, đào tạo nhân lực, mở rộng thị trường, xây dựng và phát triển thương hiệu...”, ông Nguyễn Ngọc Hanh - Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp của tỉnh khẳng định.
Tiếp xúc, lắng nghe, giải quyết dứt điểm vướng mắc
Giai đoạn từ năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp đang cùng một lúc phải đối mặt với nhiều thách thức do tình hình thế giới phức tạp, khó khăn; hậu quả của dịch COVID-19 để lại khá nặng nề; sức tiêu thụ của thị trường trong nước và xuất khẩu đều giảm sút; chi phí đầu vào, vận hành, hoạt động, sản xuất đều tăng cao trong khi khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp hạn chế.
Đây là giai đoạn doanh nghiệp “cần” sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp. Cũng là giai đoạn tỉnh đẩy mạnh thực hiện các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ để nắm bắt và cùng doanh nghiệp tìm giải pháp gỡ khó.
Lãnh đạo tỉnh đã triển khai nhiều cuộc kiểm tra, làm việc với doanh nghiệp, nhà đầu tư; các đơn vị, địa phương trong tỉnh thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp thông qua các hội nghị chuyên đề, các buổi tiếp dân.
Đáng chú ý, 100% cơ quan, đơn vị đã công khai số điện thoại đường dây nóng, đến nay đã tiếp nhận 647 tin phản ánh, câu hỏi, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp; tỷ lệ giải quyết đạt 80 - 90%.
Dễ thấy nhất là từ đầu năm 2023, trước những phản ánh của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản gặp rất nhiều khó khăn, UBND tỉnh đã nghiên cứu và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Tỉnh cũng thực hiện rà soát các dự án bất động sản để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư, khơi thông nguồn vốn; đồng thời tổ chức các cuộc họp, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định số 1059/QĐ-UBND ngày 25/5/2023 về việc thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn.
Trong đó, phân công các Phó Chủ tịch UBND tỉnh căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực công tác, dự án được phân công, bố trí thời gian trực tiếp đi kiểm tra, làm việc với các nhà đầu tư, cơ quan, đơn vị liên quan về tình hình, giải pháp tháo gỡ, khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Ngoài ra, từ quý II/2023, HĐND tỉnh cũng đã thực hiện giám sát về việc quản lý, đầu tư, xây dựng các dự án khu đô thị mới, dự án phát triển khu nhà ở trên địa bàn. Đây là cơ sở để rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản.
Những “động thái” quyết liệt, đồng bộ của tỉnh đã nhận được sự ghi nhận của công đồng doanh nghiệp. Ông Nguyễn Đại Dương - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Đại Việt 19 cho biết: Khó khăn về kinh tế đã khiến hoạt động của Công ty bị ảnh hưởng rất nhiều. Nhưng nhờ có các giải pháp khơi thông nguồn vốn của Chính phủ nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng, hiện nay thị trường bất động sản đã có dấu hiệu tích cực.
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo; triển khai đồng bộ hơn, quyết liệt hơn các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, ngày 21/8/2023, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 3216/UBND-KTTH về việc tiếp, làm việc định kỳ để tiếp nhận các phản ánh, kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Theo đó, bắt đầu từ tháng 9/2023, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ tiếp, làm việc với doanh nghiệp, nhà đầu tư định kỳ 1 lần/tháng tại Văn phòng UBND tỉnh và tổ chức tiếp, làm việc tại doanh nghiệp để nắm bắt, hiểu rõ hơn tình hình hoạt động và tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh.
Đây cũng là hoạt động cụ thể để thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 cũng như Công điện số 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Cùng doanh nghiệp chuyển đổi và phát triển
Không chỉ gỡ khó trước mắt, để các doanh nghiệp trụ vững trước sự biến động khó lường của thị trường cũng như vững bước trong quá trình hội nhập kinh tế mạnh mẽ hiện nay, Phú Thọ đang đẩy mạnh hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển đổi số.
Hội nghị Đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ năm 2023 vào tháng 8 vừa qua là hoạt động đầu tiên triển khai hoạt động chuyển đổi số ở quy mô toàn tỉnh với sự tham gia của hơn 120 doanh nghiệp. Đây có thể coi là bước khởi động quan trọng cho quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành trong việc tham mưu triển khai hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhằm cụ thể hóa cam kết mạnh mẽ của tỉnh Phú Thọ trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp.
Ngay sau hội nghị, tỉnh đã tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu và khả năng thực hiện chuyển đổi số của các doanh nghiệp.
Nhận thấy nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến chuyển đổi số nhưng còn mơ hồ về cách làm, thiếu nguồn lực, tỉnh đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn cụ thể và đưa ra các giải pháp phù hợp cho từng doanh nghiệp có nhu cầu. Đồng thời lựa chọn các doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả để hỗ trợ chuyển đổi số, lấy kết quả và kinh nghiệm để nhân rộng trên toàn tỉnh.
Từ nhiều năm nay, Công ty cổ phần Toyota Phú Thọ đã chú trọng ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại để quản trị, điều hành như: Tổng đài 3C (tổng đài chăm sóc khách hàng tự động; phục vụ công tác kinh doanh bán hàng); chữ ký số, hoá đơn điện tử, hợp đồng điện tử… Từ đó, giúp doanh nghiệp vận hành hoạt động sản xuất kinh doanh một cách trôi chảy, tiết kiệm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Anh Dương Văn Minh - Phó trưởng Phòng Kế toán, Công ty cổ phần Toyota Phú Thọ cho biết: “Công ty chúng tôi sử dụng giải pháp phần mềm quản trị tổng thể doanh nghiệp với các phân hệ: Phần mềm quản lý tài chính kế toán, quản lý bán hàng, quản lý mua hàng, quản lý tồn kho… đã đem lại thuận tiện cho nhà quản lý cũng như khách hàng. Ngoài ra, với việc sử dụng phân hệ phần mềm quản lý bán hàng đã tự động hoá toàn bộ quy trình bán hàng của doanh nghiệp cũng đã giúp hoạt động bán hàng có hiệu quả hơn, tăng sự hài lòng của khách hàng, tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Hiện nay Công ty đang được đơn vị chuyên môn hỗ trợ truyền thông trên website để giới thiệu, quảng bá sản phẩm để mở rộng thêm thị trường”.
Với sự hỗ trợ, tạo mọi điều kiện của chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh ngày phát triển cả về số lượng, chất lượng và quy mô, có đóng góp quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021 - 2023 đạt bình quân 7,29%; quy mô kinh tế năm 2023 đạt trên 100.000 tỷ đồng, đứng thứ 3 trong 14 tỉnh Vùng trung du và miền núi phía Bắc; thu ngân sách trên địa bàn liên tục tăng cao; các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều khởi sắc, đời sống của Nhân dân tiếp tục được cải thiện; diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khang trang.
Kiên trì thực hiện khâu đột phá “Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh”, nửa nhiệm kỳ qua Phú Thọ đã tạo được niềm tin trong công đồng doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, hiện thực hóa khát vọng phát triển của của tỉnh đã trở thành động lực khiến đội ngũ doanh nhân phải nỗ lực nhiều hơn nữa, hướng tới mục tiêu đưa Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.