Cụ thể: Hướng triều biển Tây, mức cao nhất nồng độ mặn ngành chức năng tỉnh đo được là 13,30 phần ngàn tại điểm đo ngã ba Nước Trong (cao hơn độ mặn cùng kỳ năm 2023 là 5,30 phần ngàn); Kênh Lầu có nồng độ mặn 12,60 phần ngàn (cao hơn độ mặn cùng kỳ 2023 là 4,60 phần ngàn)...
Nồng độ mặn các điểm đo ngày 22/4 hầu hết đều cao hơn những ngày gần đây từ 1 phần ngàn đến hơn 4 phần ngàn. Cụ thể: Tại điểm đo Kênh Mới nồng độ mặn các ngày 19/4, 20/4, 21/4 lần lượt là 1,50 phần ngàn, 2 phần ngàn, 2,10 phần ngàn. Tuy nhiên hôm nay (ngày 22/4), nồng độ mặn tăng lên 6,60 phần ngàn.
Theo đại diện ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, nồng độ mặn có chiều hướng tăng gần đây. Nguyên nhân là hệ thống cống ngăn mặn mặc dù tiêu mặn nhưng không đáng kể do biên độ triều thấp. Cùng với đó, lượng nước từ thượng nguồn về thấp đã khiến mặn xâm nhập ngày một tăng cao.
Cụ thể, lượng nước mặt trên sông Hậu chảy vào Hậu Giang tiếp tục giảm so với những ngày đầu tháng 4/2024. Lượng nước trên các sông, kênh, rạch không đủ cho nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, nước nông nghiệp và công nghiệp dịch vụ. Cụ thể: tỷ lệ thiếu nước tại huyện Long Mỹ từ 20 - 30%, huyện Vị Thủy thiếu 12 - 18%, thị xã Long Mỹ từ 10 - 15%, thành phố Vị Thanh từ 5 - 10% và huyện Phụng Hiệp thiếu từ 4,5 - 8,5%. Các địa phương còn lại thiếu cục bộ với tỷ lệ từ 1,5 - 3,0%.
Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang cho biết, đây là đợt khô hạn, thiếu nước mặt cao nhất mùa khô năm 2024.
Tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo trung tâm khuyến nông các huyện theo dõi diễn biến mặn chặt chẽ để vận hành công trình cống ngăn mặn cũng như thực hiện hệ thống đập thời vụ, không để mặn xâm nhập vào nội đồng. Đồng thời, tỉnh khuyến cáo, người dân xuống giống vụ lúa Hè Thu theo lịch của ngành Nông nghiệp đã đưa ra; chủ động nạo vét kênh, mương, trữ nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt. Trong xuống giống vụ lúa Hè Thu, người dân cần chuẩn bị đến khi có đủ nước ngọt mới tiến hành...